Việt Nam – Campuchia: Tình láng giềng tốt đẹp, bền vững lâu dài

(Banker.vn) Quan hệ Việt Nam - Campuchia là quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống lâu đời, đó là nền tảng vững chắc vì sự trường tồn của mỗi dân tộc.
Hải quân Việt Nam - Campuchia rút kinh nghiệm tuần tra chung lần thứ 32 Triển khai cơ chế họp 3 Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia Đề cao vai trò kết nối nhịp cầu hữu nghị Việt Nam - Campuchia của thanh niên Kỷ niệm 45 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Nhân Kỷ niệm 45 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2024). Chúng ta cùng nhìn lại quan hệ Việt Nam – Campuchia để thấy được quan hệ đoàn kết, láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và Campuchia, vì hòa bình và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới. Đặc biệt là trong thời gian gần đây liên tục diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 9/2023), chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary (từ ngày 30/11 đến 2/12/2023) và Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Manet (từ ngày 11/12 đến 12/12/2023), tiếp tục khẳng định sự coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ Việt Nam - Campuchia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên.

Kề vai sát cánh trong nguy khó

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong, đều có nguồn gốc nền văn minh lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đều có vị trí địa - chính trị hết sức quan trọng, là tâm điểm kết nối khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với nhiều điểm tương đồng, hai nước luôn gần gũi, gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Việt Nam – Campuchia: Tình láng giềng tốt đẹp, bền vững lâu dài
Hình ảnh người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam sau khi làm nhiệm giúp nước bạn về nước năm 1989

Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập vào năm 1930 đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia đã trải qua các giai đoạn lịch sử quan trọng; kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Đặc biệt, Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (ngày 7/1/1979), hồi sinh dân tộc, tìm giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia; xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài từ năm 1993 đến nay.

Theo đó, ngày 07/01/1979, Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia được giải phóng. Nhân dân Campuchia chào đón bộ đội Việt Nam tiến vào thủ đô. Sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam đã giải thoát cho dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ tàn ác, độc tài nhất trong lịch sử loài người.

Đây không những là cuộc chiến tranh tự vệ, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam mà còn là một cuộc chiến tranh thấm đượm tính nhân văn và tinh thần quốc tế vô sản cao cả.

Sau thắng lợi vĩ đại ngày 7/01/1979, tuy bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt từ trung ương đến cơ sở đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pôn Pốt còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và một số nơi trong nội địa Campuachia, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy Quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia trong khi lực lượng cách mạng của bạn còn non trẻ, mưu đồ phản công chiếm lại Thủ đô Phnôm Pênh với ảo tưởng lập lại chính quyền Campuchia dân chủ diệt chủng.

Ngày 18/02/1979, tại Thủ đô Phnôm Pênh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước.

Theo đó, thực hiện những cam kết ghi trong Hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Đây là việc làm phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, được nhân loại tiến bộ và những người có lương tri trên toàn thế giới hoan nghênh.

Sau đó, hàng ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia.

Từ năm 1979 - 1982, cùng với việc giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, Quân tình nguyện Việt Nam giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pôn Pốt ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và nội địa. Nhờ đó, lực lượng cách mạng Campuchia dần dần lớn mạnh, từng bước bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng, hồi sinh đất nước, tạo điều kiện để quân tình nguyện Việt Nam rút dần về nước.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, yêu cầu tăng cường quan hệ Việt Nam - Campuchia luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dù trải qua không ít thăng trầm vẫn luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết và được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy vào từng bối cảnh, tình hình và từng thời điểm lịch sử cụ thể. Việc tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước là tất yếu khách quan, quy luật sống còn và nhân tố quan trọng hàng đầu đối với cách mạng mỗi nước, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực.

Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả

Trong suốt chặng đường lịch sử hơn nửa thế kỷ kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, bất chấp biết bao khó khăn, thử thách với những thăng trầm, mối quan hệ Việt Nam-Campuchia đã không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần thiết thực cho công cuộc xây dựng, phát triển phồn vinh của hai đất nước, đồng thời đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Trong tổng thể mối quan hệ chung giữa hai nước.

Việt Nam – Campuchia: Tình láng giềng tốt đẹp, bền vững lâu dài
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tiếp Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia Vong Pisen

Việc tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.

Việt Nam - Campuchia luôn khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào dùng lãnh thổ của nước này để chống phá nước kia; hợp tác xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết các vụ, việc phát sinh trên biên giới, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, lối mở, ngăn chặn triệt để các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; duy trì tuần tra chung trên biển; đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm xuyên quốc gia…

Các quân khu, tổng cục, quân chủng hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hai bên đã trao đổi nhiều đoàn nhằm thúc đẩy triển khai kế hoạch hợp tác; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, như đấu tranh chống nguy cơ “cách mạng màu”, chống khủng bố, tăng cường đào tạo, tập huấn.

Đáng chú ý, với sự quyết tâm và nỗ lực từ cả hai phía, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới, cắm mốc 84% biên giới trên đất liền. Tháng 10/2019, hai nước đã ký kết Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Đến nay, Việt Nam và Campuchia đã xây dựng 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới 1.044 km trên tổng số 1.258 km.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của hai bên đã quán triệt tốt sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, chủ động phối hợp, triển khai đầy đủ các nội dung hợp tác quốc phòng đã được thống nhất giữa hai Bộ Quốc phòng, nổi bật trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; phát huy hiệu quả các cơ chế, mô hình hợp tác như: Tuần tra chung, hội nghị thường niên, kết nghĩa quân dân, giao lưu sĩ quan trẻ; đào tạo nguồn nhân lực...

Hai bên đang tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thành công việc phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới đất liền còn lại. Hai bên cũng tích cực triển khai Thỏa thuận về tìm kiếm quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia và thực hiện công tác tôn tạo, tu bổ các đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại các tỉnh, thành phố ở Campuchia.

Mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia vốn được xây dựng nên bởi công sức và xương máu của biết bao thế hệ nhân dân hai nước, đã trở thành tài sản vô giá, thiêng liêng của hai dân tộc. Với quyết tâm chính trị và nỗ lực của hai bên, hợp tác quốc phòng Việt Nam - Campuchia chắc chắn sẽ còn có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, nâng cao được vai trò, vị thế trong tổng thể mối quan hệ song phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương