Việt Nam - Brazil: Hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD

(Banker.vn) Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani nhấn mạnh, Việt Nam - Brazil đã nhất trí nỗ lực hướng mục tiêu tăng thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2030.
5 định hướng lớn đưa quan hệ Việt Nam - Brazil lên tầm cao mới Việt Nam - Brazil: Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil (8/5/1989 - 8/5/2024), Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani đã trả lời phỏng vấn báo chí về thành tựu và triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Kể từ khi Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao vào 8/5/1989, hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên mọi mặt từ chính trị, quốc phòng, ngoại giao đến kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Tăng cường làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Brazil

Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani khẳng định, kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước diễn ra vào một thời điểm rất tốt đẹp khi Brazil và Việt Nam đang tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã quyết định rằng, một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ thứ ba của ông, bắt đầu vào năm ngoái, là cam kết đổi mới của Brazil với lập trường chính sách đối ngoại truyền thống - tương tự như của Việt Nam, đó là thúc đẩy độc lập, tự chủ và hữu nghị với mọi quốc gia trên toàn cầu, nhằm góp phần xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Việt Nam - Brazil: Hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Bộ Ngoại giao Brazil. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil vào tháng 9 năm ngoái đã được tiếp nối ngay sau đó bởi chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira tới Hà Nội vào tháng 4 năm nay. Điều này thể hiện động lực mới cho hệ song phương. Vào tháng 11 tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ trở lại Brazil để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của Tổng thống Lula. Ngoài ra, Tổng thống Lula dự định sẽ đến Việt Nam vào thời gian sớm nhất, thậm chí có thể là trong năm nay nếu lịch trình của ông cho phép do Brazil sẽ tổ chức bầu cử địa phương vào tháng 10. Năm ngoái, Brazil đã đăng cai tổ chức phiên họp thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp song phương về hợp tác chính trị Việt Nam - Brazil.

Đại sứ Brazil tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, việc nối lại trao đổi ở cấp cao nhất không phải là mục đích cuối cùng, mà đó là nền tảng mà chúng tôi mong muốn mang lại những lợi ích rất cụ thể cho cả hai nước, có thể là trong thương mại, chính trị hoặc các lĩnh vực hợp tác khác.

Xác định các cơ hội thương mại mới

Về những điểm hai nước cần tập trung để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới, Đại sứ Marco Farani cho rằng, lĩnh vực đầu tiên chính là nông nghiệp. Năm ngoái, nhân chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về nông nghiệp. Dựa trên Biên bản ghi nhớ này, hai bên đã xây dựng một kế hoạch hành động cho phép thiết lập cơ chế tham vấn kỹ thuật lâu dài. Mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa thị trường và xác định các cơ hội thương mại mới cho cả hai nước. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Brazil Roberto Perosa đã đến thăm Hà Nội vào tháng 3 năm ngoái.

Đại sứ cho biết, Brazil đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; hy vọng có thể sớm công bố các biện pháp cùng có lợi cùng với việc sớm mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới của Brazil và Việt Nam.

Lĩnh vực thứ hai mà Đại sứ nhắc đến là hợp tác quốc phòng. Cũng trong chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Và lĩnh vực thứ ba là khoa học và công nghệ. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ của Brazil Luciana Santos đã đến thăm Việt Nam vào năm ngoái. Bà là Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil (PCdoB), một chính đảng nằm trong liên minh cầm quyền của Tổng thống Lula. PCdoB có mối quan hệ chính trị lâu đời với Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi hy vọng vào sự hội tụ này và nhiệm kỳ của Bộ trưởng Luciana Santos với tư cách người đứng đầu lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Brazil và Việt Nam trong lĩnh vực đó. Cuối tháng 5, một phái đoàn kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ Brazil sẽ tới Hà Nội để xác định các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm để hợp tác.

Việt Nam - Brazil: Hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lĩnh vực thứ tư Đại sứ muốn nêu bật là năng lượng tái tạo. Brazil và Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với chương trình nghị sự về môi trường và đều là những nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực của mình. Brazil có hệ thống năng lượng sạch nhất hành tinh với 80% năng lượng tiêu thụ trong nước đến từ các nguồn tái tạo như thủy điện, gió, mặt trời và sinh khối.

Tháng trước, trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira, Đại sứ quán Brazil đã tổ chức một hội thảo về nhiên liệu sinh học mang tên Tọa đàm Ethanol. Brazil có kinh nghiệm rất thành công trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học, một lĩnh vực có thể được chia sẻ và nhân rộng ở Việt Nam. Đại diện các hiệp hội ethanol của khu vực tư nhân Brazil là UNICA (Hiệp hội Công nghiệp Mía đường và Nhiên liệu sinh học Brazil) và APLA (Thỏa thuận sản xuất cồn địa phương) đã phát biểu tại hội thảo và sẵn sàng tìm hiểu cơ hội với các đối tác Việt Nam.

Đại sứ Marco Farani nhận định, còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa hai nước. Brazil, như mọi người đều biết, có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này, đặc biệt là về bóng đá, niềm đam mê chung của người dân Brazil và Việt Nam. Đại sứ cho biết, Hiệp định khung song phương về Hợp tác Kỹ thuật giữa hai nước gần như đã được hoàn tất và khi thỏa thuận này được ký kết, nhiều khả năng hợp tác sẽ được mở ra.

Đại sứ thông tin thêm, có ba sự kiện sắp tới mà Đại sứ quán Brazil sẽ quảng bá trong năm nay: triển lãm của họa sĩ nổi tiếng người Brazil Marianita Luzzati; buổi hòa nhạc của Cristian Budu, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Brazil, cùng dàn nhạc Sun Group; và phần biểu diễn của nghệ sĩ guitar nổi tiếng Diego Figueiredo trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Brazil vào tháng 9 tới.

Tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD

Trong lĩnh vực thương mại, Đại sứ Marco Farani cho biết, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh với thương mại song phương đạt hơn 7 tỷ USD năm 2023. Vì vậy, rõ ràng việc cải thiện hợp tác thương mại giữa hai nước là có lợi cho cả hai bên.

Việt Nam - Brazil: Hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD
Gặp gỡ Hữu nghị Việt Nam – Brazil. (Ảnh: Baoquocte)

Với mục tiêu này, vào giữa tháng 3, Đại sứ quán Brazil và Cơ quan Xúc tiến Thương mại Brazil (APEx) đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp đa ngành tới Hà Nội. Các doanh nhân Brazil thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp đến dược phẩm, đã đến Hà Nội, gặp gỡ các đối tác và tham gia một cuộc tọa đàm doanh nghiệp do Đại sứ quán tổ chức. Với những sáng kiến như thế này, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các mối liên hệ giữa khu vực tư nhân và tăng giá trị thương mại.

Hơn nữa, hai nước có mối quan hệ chính trị tốt đẹp và không có vướng mắc gì trong quan hệ song phương. Đây là một yếu tố góp phần thúc đẩy thương mại tăng trưởng ổn định.

Việt Nam - Brazil thúc đẩy hòa bình, duy trì luật pháp quốc tế

Về sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong bối cảnh Brazil đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 năm nay, người đứng đầu cơ quan đại diện Brazil tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và Brazil chia sẻ nhiều nguyên tắc chung trong chính sách đối ngoại. Cả hai đều cam kết với chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hòa bình, giải quyết hòa bình các tranh chấp và duy trì luật pháp quốc tế. Trên khuôn khổ này, Đại sứ cho rằng hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương diễn ra một cách tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà Brazil và Việt Nam ủng hộ nhau ứng cử vào nhiều cơ quan đa phương và hợp tác trong nhiều vấn đề quan trọng.

Brazil giữ cương vị Chủ tịch G20 năm nay trong một bối cảnh hết sức may mắn. Vai trò Chủ tịch G20 được chuyển từ nền kinh tế đang phát triển lớn này sang nền kinh tế đang phát triển lớn khác. Đầu tiên là Indonesia, sau đó là Ấn Độ, bây giờ là Brazil và vào tháng 12, Brazil sẽ chuyển giao cương vị Chủ tịch cho Nam Phi.

Đại sứ nhấn mạnh, luôn dựa trên công việc của các nhiệm kỳ trước, chúng tôi cùng nhau nêu bật những vấn đề quan trọng nhất đối với khu vực Nam bán cầu, làm cho tiếng nói và hoàn cảnh khó khăn của các nước đang phát triển được lắng nghe. Chính phủ Brazil đã chọn 3 chủ đề trọng tâm cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20, đó là xóa đói giảm nghèo; biến đổi khí hậu và cải cách các thể chế đa phương...

Đại sứ Marco Farani cho biết, Tổng thống Brazil đã mời Việt Nam tham dự các cuộc thảo luận ở cấp cao nhất: Một phái đoàn Việt Nam đã tham gia các cuộc họp về lĩnh vực nông nghiệp và Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi, Mauro Vieira, đã đích thân chuyển thư mời của Tổng thống Lula tới Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.

Năm 2025, Brazil sẽ đăng cai Hội nghị cấp cao nhóm BRICS và COP30. Là thành viên ký kết Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ tham gia thảo luận trên diễn đàn quan trọng nhất này về các vấn đề môi trường. Hội nghị thượng đỉnh COP30 sẽ được tổ chức tại thành phố Belém, trung tâm rừng Amazon của Brazil. Brazil thực sự quan tâm đến việc phối hợp với các quốc gia có rừng nhiệt đới rộng lớn ở châu Á và châu Phi, như Việt Nam. Cũng giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam và Brazil đều quan tâm đến việc thúc đẩy các nguồn tài chính tốt hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam và Brazil chính là đối tác tự nhiên trong các cuộc thảo luận về môi trường.

Linh Chi

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục