Vì sao xuất khẩu gạo giảm mạnh trong tháng đầu năm?

(Banker.vn) Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh 20% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ, giá xuất khẩu cũng thấp hơn Thái Lan.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Bắc Âu tăng trưởng đến 73% nhờ Hiệp định EVFTA Xuất khẩu gạo 2022: Kỳ tích trong khó khăn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 1/2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD, giảm lần lượt 20,9% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chỉ giảm về sản lượng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng quay đầu và thấp hơn so với hàng Thái Lan 50 USD một tấn.

Theo đó, trong tháng đầu tiên của năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã chạm mức cao nhất trong gần 2 năm nhờ đồng baht tăng giá và sức mua mạnh mẽ trên thị trường. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tính đến cuối tháng 1/2023 ở mức 500 USD/tấn, tăng 35 USD so với 452 – 465 USD/tấn đầu tháng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ dao động từ 450 – 473 USD/tấn.

Vì sao xuất khẩu gạo giảm mạnh trong tháng đầu năm?
Xuất khẩu gạo tháng 1 giảm mạnh

Nói về nguyên nhân giá gạo giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm. Trong khi đó lượng tồn kho ở nhiều nước còn cao. Báo cáo tháng 1 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo, nhu cầu gạo năm nay chỉ đạt khoảng 54,4 triệu tấn, giảm 4% so với kỷ lục năm ngoái và lần đầu tiên giảm kể từ năm 2019.

Ngoài nguyên nhân khách quan do nhu cầu thị trường giảm thì nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó về tài chính, dẫn đến không kịp thu mua lúa ở thời điểm giá tốt. Đơn cử Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An. Chia sẻ với phóng viên, bà Đặng Thị Liên- Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, trong tháng 1/2023 doanh nghiệp hầu như chưa xuất khẩu được gì bởi vụ mùa tới trễ, giá lúa cao và không kịp thu mua. “Nhu cầu thị trường vẫn có song doanh nghiệp không dám ký vì hiện giá lúa đang ở mức cao. Nếu ký trước, nhiều khả năng sẽ bị lỗ nặng”- bà Liên cho biết.

Được biết, tại thị trường trong nước, giá lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng 1/2023, với mức tăng tùy thuộc vào nhu cầu đối với từng chủng loại lúa. Cụ thể, tại An Giang, lúa thường IR50404 ở mức 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 12/2022; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg, ổn định so với tháng trước. Tại Kiên Giang, lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg, từ 6.800 – 7.000 đồng/kg lên 7.000 – 7.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 tăng 300 đồng/kg, từ 7.000 – 7.200 đồng/kg lên 7.200 – 7.500 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 vụ Đông Xuân sớm tăng mạnh từ 6.300 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg.

Mặc dù tình hình thế giới dự báo khá khó khăn, theo các doanh nghiệp Việt, cuối quý I, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào. Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam - đang chịu sức ép về giá khi đồng baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục