Vì sao vốn FDI giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm?

(Banker.vn) Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2, tổng vốn của nhà đầu tư nước ngoài “rót” vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 thu hút FDI sẽ hướng đến dự án công nghệ cao.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 thu hút FDI sẽ hướng đến dự án công nghệ cao.

Sỡ dĩ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự giảm mạnh theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do vốn FDI điều chỉnh giảm mạnh, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn góp mua cổ phần không đủ bù đắp cho sự sụt giảm này.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm, có 261 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, có tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD, giảm 85,1% so với cùng kỳ. Có 440 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2022.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17/21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 2,17 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp đến là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm hơn 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; và ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 202,1 triệu USD và gần 141,9 triệu USD…

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới, chiếm gần 30% số dự án và số vốn điều chỉnh với 63,9% tổng vốn đầu tư.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Đài Loan đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư; Hà Lan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 824,3 triệu USD, chiếm hơn 26,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 103 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 369,1 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước; Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai…

Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã dự báo, thu hút FDI năm 2023 có thể đạt 36-38 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD. Theo đó, các yếu tố quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 gồm kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030 thu hút FDI sẽ hướng đến dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn FDI với những con số khá ấn tượng và triển khai giải pháp để thúc đẩy thu hút vốn FDI.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán