Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa chiếm được lòng tin của người dùng?

(Banker.vn) Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, để phát triển thẻ tín dụng nội địa các ngân hàng cần triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán.
Thẻ tín dụng có thực sự là “cứu cánh" đối với người trẻ? Ngày 20 lại đến, bạn dự định chi tiêu gì với thẻ tín dụng? Cơ cấu dân số trẻ, thẻ tín dụng nội địa nhiều dư địa phát triển

Nhiều rào cản nên quy mô còn khiêm tốn

Tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp cùng Báo Lao động tổ chức chiều ngày 21/5, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - cho biết, thời gian qua, thẻ tín dụng nội địa đã có tốc độ tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch. Tính đến hết tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023, với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Trong số đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC, với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.

Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa chiếm được lòng tin của người dùng?
Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904.700 thẻ, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%. Trong khi đó, giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị (cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).

Dù có tốc độ tăng trưởng mạnh về số lượng, song ông Lê Anh Dũng vẫn phải thừa nhận, so với quy mô dân số 100 triệu dân của Việt Nam, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành được vẫn còn vô cùng khiêm tốn.

Nêu nguyên nhân khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn đối với người dùng Việt, ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Trung tâm thẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, chỉ có 15 tổ chức tín dụng thực hiện nên việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Bên cạnh đó, thẻ tín dụng nội địa cũng khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế. Hơn hết là, do thói quen người dùng có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.

Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa chiếm được lòng tin của người dùng?
PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam cũng nhận định, nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là bởi các yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, chi phí cơ hội và chi phí tài chính của các tổ chức phát hành.

Theo PGS. TS Đặng Ngọc Đức, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thiên về hình thức chi tiêu bằng tiền mặt, đặc biệt là các vùng ngoại ô, tỉnh, nơi công nghệ chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với đời sống nhân dân. “Tâm lý của việc sợ tăng gánh nặng tài chính khi có nợ, hoặc chi tiêu mất kiểm soát do có thêm tiền thẻ tín dụng khiến không còn khả năng trả nợ cũng là một trong các lý do khiến giới trẻ hiện nay e dè sử dụng sản phẩm này”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, an toàn và bảo mật trong thanh toán cũng là nút thắt khiến thẻ tín dụng chưa thực sự phát huy tiềm năng. Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, hiện có nhiều ngân hàng không vượt qua được bài test về cơ chế bảo vệ an toàn cho người dùng.

Theo kết quả đánh giá ứng dụng (app) của 29 ngân hàng do Cục An toàn thông tin thực hiện vào tháng 9/2023, có 6 ứng dụng không triển khai 2 bảo mật cơ bản, 9 ứng dụng triển khai bảo mật một cách đơn giản, 9 ứng dụng triển khai bảo mật tốt và 5 ứng dụng được đánh giá là triển khai bảo mật chặt chẽ.

Về kết quả tổng quan, ông Phạm Thái Sơn cho biết có 21% ứng dụng không có bảo vệ, 21% ứng dụng dễ dàng vượt qua bởi các hacker, 31% ứng dụng khó vượt qua và 17% ứng dụng được triển khai chặt chẽ. “Với khoảng 70 triệu người Việt sử dụng internet, các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo và tập trung chủ yếu vào lừa đảo tài chính, chiếm hơn 72% các vụ lừa đảo trên không gian mạng”, ông Phạm Thái Sơn cho hay.

Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa chiếm được lòng tin của người dùng?
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo

Tăng cường tiện ích, mở rộng hệ sinh thái, giảm phí giao dịch cho thẻ tín dụng

Để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa ông Nguyễn Tấn Pháp cho rằng, NAPAS cần có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các ngân hàng và tổ chức chuyển mạch. Ngoài ra, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, thanh toán hóa đơn định kỳ… kèm những ưu đãi hấp dẫn từ các đối tác nhằm thu hút hơn nữa sử dụng thẻ để thanh toán.

Trong khi đó, để giải quyết các vướng mắc trong xử lý rủi ro liên quan đến các giao dịch gian lận, giả mạo trong thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thẻ nói riêng, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS đề xuất, cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán được phép sử dụng một phần lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong thanh toán (tương tự như hoạt động cấp tín dụng).

Thời gian tới, các ngân hàng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát hành thẻ nội địa, đặc biệt thẻ tín dụng nội địa. Tiếp cận các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để mở thẻ tín dụng nội địa và phối hợp cùng NAPAS để có các chương trình khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng. “NAPAS sẽ rà soát chặt chẽ và đánh giá tiềm năng việc chấp nhận thanh toán thẻ nội địa để đẩy mạnh hơn nữa việc chấp nhận thẻ nội địa ở các đơn vị chấp nhận thanh toán, giảm bớt gánh nặng chi phí cho thị trường NAPAS”, ông Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, mức phí chia sẻ cần hợp lý để thúc đẩy việc phát hành thẻ của tổ chức phát hành nhưng cũng cần đảm bảo mức phí chiết khấu nằm trong khoảng chấp nhận được với tổ chức thanh toán, đơn vị chấp nhận thanh toán cũng như giải quyết được vấn đề ưu tiên thanh toán tiền mặt tại các đơn vị chấp nhận thanh toán do phí chiết khấu chưa hợp lý và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho đơn vị chấp nhận thanh toán.

Kiến nghị những giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng thương mại Việt Nam, PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết, cần tăng cường tiện ích cho người sử dụng thẻ; tăng cường hiểu biết về thẻ tín dụng (minh bạch); ứng dụng Fintech để giảm phí thẻ tín dụng.

“Theo kết quả phân tích chuyên sâu 26 người dùng, là những người trực tiếp đang sử dụng hoặc đã có kinh nghiêm sử dụng thẻ tín dụng, lợi ích của thẻ tín dụng là một trong những điểm cân nhắc khiến khách hàng quyết định lựa chọn mở và sử dụng dòng thẻ này. Đối với giá phí, việc miễn phí thường niên là một trong những điều khiến cho người dùng cảm thấy hài lòng. Về tính năng của thẻ, người dùng mong muốn quản lý việc chi tiêu, cài đặt các hạn mức chi tiêu để không dùng tiền quá mức, và tính năng liên kết với các quỹ đầu tư, để có thể kiểm soát được nhu cầu đầu tư nhanh chóng, tiện lợi. Về chính sách ưu đãi, người dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách hoàn tiền dựa trên các giao dịch chi tiêu, các ưu đãi được thiết kế riêng cho từng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, đặc quyền về du lịch như phòng chờ sân bay, khách sạn. Ngoài ra, đối với người dùng là khách hàng trẻ, còn mong muốn được thể hiện cá tính riêng bằng việc thiết kế các thẻ độc bản cho mình” - PGS.TS Đặng Ngọc Đức kiến nghị.

Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, để gia tăng sử dụng thẻ tín dụng nội bộ của các ngân hàng thương mại một cách ổn định và thực sự có ý nghĩa, ngoài việc giảm thiểu các loại phí và khuyến khích người tiêu dùng, các ngân hàng thương mại cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các giải pháp công nghệ và áp dụng Fintech để giảm thiểu cả chi phí tài chính, chi phí cơ hội và chi phí giao dịch cho người sử dụng thẻ.

Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa chiếm được lòng tin của người dùng?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu kết luận hội thảo

Ở góc độ bảo mật, ông Phạm Thái Sơn khuyến nghị các ngân hàng cần phát hiện và cảnh báo sớm đến người dùng, đồng thời ngăn chặn sớm nguy cơ có thể xảy ra. “Để ngăn chặn lừa đảo một cách có hiệu quả, ứng dụng ngân hàng cần có các cơ chế phát hiện các hành vi độc hại vào ứng dụng, đồng thời phát hiện gian lận khi đối tượng lạ xâm nhập vào ứng dụng ngân hàng của người dùng”, ông Sơn nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng - nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Phó Thống đốc, các tổ chức tín dụng cần triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục