Vì sao táo là loại trái cây phù hợp nhất với người bệnh tiểu đường?

(Banker.vn) Với hàm lượng vitamin, chất xơ lớn, cùng nhiều chất dinh dưỡng khác, táo là loại quả giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, đặc biệt tốt với người bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường ăn bao nhiêu mít để không ảnh hưởng sức khỏe? Những thực phẩm tối kỵ với người mắc bệnh tiểu đường

Giá trị dinh dưỡng lớn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, một quả táo trung bình chứa 95 calo, 25 gam carbohydrate và 14% lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

Theo ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, táo là loại trái cây phù hợp với người bệnh tiểu đường vì chất xơ trong táo giúp ổn định đường huyết. Chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu các dạng đường trong táo, giúp đường máu tăng chậm, đồng thời làm ổn định đường trong máu sau ăn.

quả táo là loại trái cây phù hợp nhất với người bệnh tiểu đường
Táo được coi là loại trái cây phù hợp nhất với người bệnh tiểu đường

Nhiều nghiên cứu khác đã chỉ ra, chất xơ giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết, giúp chống lại bệnh tiểu đường type 2.

Chất xơ trong táo cũng có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường, giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến của đường huyết và insulin. Táo có chỉ số đường huyết (GI) thấp, khoảng 36. Carbs từ thực phẩm có GI thấp đi vào máu chậm hơn, do đó, nguy cơ tăng đột biến đường huyết thấp hơn. Kết hợp táo hoặc trái cây với chất béo hoặc protein lành mạnh cũng có thể làm giảm mức tăng đột biến lượng đường trong máu và tạo cảm giác no lâu hơn.

Bên cạnh đó, táo có chứa đường nhưng phần lớn đường trong táo là đường fructose. Một nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy việc sử dụng fructose thay thế cho glucose hoặc sucrose sẽ làm lượng đường trong máu sau ăn tăng ít hơn.

Ngoài ra, táo còn giúp làm giảm sự đề kháng insulin. Có hai loại bệnh tiểu đường là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Ở bệnh nhân tiểu đường type 1, tuyến tụy của người bệnh không sản xuất đủ insulin - đây là loại hormone giúp vận chuyển đường từ máu đến các tế bào tạo thành năng lượng để hoạt động. Trong khi ở bệnh nhân tiểu đường type 2 cơ thể sản xuất nhiều insulin, thậm chí thừa nhưng các tế bào của người bệnh lại đề kháng với insulin. Chính vì thế, hormon insulin tác dụng không hiệu quả dẫn đến đường máu của người bệnh vẫn ở mức cao.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, ăn táo giúp giảm tình trạng kháng insulin từ đó dẫn đến giảm lượng đường trong máu. Điều này là do polyphenol trong vỏ táo giúp kích thích tuyến tụy tiết ra insulin và giúp tế bào của cơ thể hấp thu đường.

Đáng chú ý, các chất chống oxy hóa trong táo giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ ăn táo mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn 28% so với những phụ nữ không ăn táo.

Nồng độ các chất chống oxy hóa trong các loại táo không giống nhau. Loại táo có nồng độ chất chống oxy hóa cao nhất đó là táo Honeycrisp và táo Red Delicious.

Liều lượng sử dụng tốt nhất

Để nhận được những lợi ích dinh dưỡng cao nhất từ trái táo, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi ăn táo nên ăn cả quả, kể cả phần vỏ, do một lượng lớn chất dinh dưỡng nằm trong lớp vỏ táo. Không nên dùng nước ép táo, vì nước ép không có chất xơ và thường được thêm đường.

Đồng thời chỉ nên ăn một quả táo mỗi ngày vì nếu ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ làm tăng đường huyết. Hãy chia nhỏ lượng trái cây sử dụng vào nhiều thời điểm trong ngày để giữ lượng đường trong máu ổn định, tránh ăn lượng lớn vào một thời điểm.

Cũng có lời khuyên người bệnh nên ăn táo nướng. Táo khi được nướng qua, trọng lượng của phân tử chất xơ hòa tan pectin nhẹ hơn và tăng tác dụng 9 lần so với táo bình thường. Pectin có hiệu quả về việc ức chế cholesterol, chất béo trung tính và sự tăng lượng đường trong máu.

Ngoài táo, người bệnh tiểu đường có thể ăn những trái cây có GI thấp đến trung bình với lượng vừa phải, như bơ, xoài, đu đủ, kiwi, họ cam quýt, họ dưa, quả hạch (mơ, mận, đào), chuối (tùy độ chín mà có GI từ thấp đến trung bình).

Bệnh nhân tiểu đường muốn ăn hoa quả phải đảm bảo nồng độ đường huyết đạt tiêu chuẩn: Đường huyết lúc đói dưới 7,8 mmol/L, đường huyết 2 giờ sau ăn dưới 10 mmol/L, huyết sắc tố glycated dưới 7,5%. Nên ăn hoa quả giữa hai bữa ăn chính. Không nên ăn hoa quả trước hoặc sau bữa ăn. Với các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường chỉ nên ăn 200g hoa quả mỗi ngày.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương