Vì sao sự giảm tốc của Trung Quốc lại là “rủi ro hàng đầu” đối với nền kinh tế Mỹ?

(Banker.vn) Cho đến nay, Mỹ đã tránh được tình trạng suy thoái vốn đã từng được dự báo với tỷ lệ khá cao. Song, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể thay đổi điều đó.

Dữ liệu mới công bố ngày 5/9 cho thấy, hoạt động của khu vực dịch vụ tại Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 8 tháng qua. Theo các nhà kinh tế tại E&Y, sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể trở thành cơn gió ngược đối với nền kinh tế vốn rất kiên cường của Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng Greg Daco của E&Y và nhà kinh tế cấp cao của E&Y Lydia Boussour viết trong một báo cáo: “Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc đã suy yếu đáng kể trong những tháng gần đây và căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản lại nổi lên, gây ra những rủi ro tiêu cực đối với triển vọng kinh doanh và vĩ mô”.

Sau khi tăng mạnh trong vài thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc đã chậm lại, ở mức 2% năm vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1976. Nhiều người nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi vào năm 2023, vì các hạn chế từ các biện pháp phòng chống COVID dự kiến ​​sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại đã chậm hơn dự kiến.

Trong quý II vừa qua, GDP của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 6,3% tính theo năm, thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall do đầu tư bất động sản chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm. Mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến ​​đã khiến các công ty Phố Wall hạ thấp kỳ vọng về tăng trưởng chung của Trung Quốc trong năm nay.

Nhìn chung, tỷ trọng thương mại của nền kinh tế Mỹ với Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong GDP.

Nghiên cứu gần đây của Wells Fargo cho thấy việc "hạ cánh cứng" ở Trung Quốc - nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể, sẽ chỉ có tác động "khiêm tốn" đến tăng trưởng của Mỹ. Trong kịch bản mà Wells Fargo khám phá bằng cách sử dụng mô hình của Oxford Economics, ngân hàng Mỹ này dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ổn định vào năm 2024 và giảm xuống còn 2,6% vào năm 2025 trước khi phục hồi lên mức tăng trưởng hằng năm là 2,7% vào năm 2026.

Theo Wells Fargo, "cú sốc tăng trưởng" đáng chú ý này đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ làm GDP của Mỹ giảm 0,1 điểm phần trăm vào năm 2024 và 0,2 điểm phần trăm vào năm 2025.

Ngày 25/8, Jay Bryson, nhà kinh tế trưởng của Wells Fargo đã viết: “Những tác động ước tính đối với tốc độ tăng trưởng GDP ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản lớn hơn một chút, nhưng chúng tôi không thể coi là đáng kể”.

Nhóm các nhà kinh tế của E&Y cũng thừa nhận rằng mức độ rủi ro thương mại trực tiếp của nền kinh tế Mỹ với Trung Quốc là “khá nhỏ”.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế của E&Y cho rằng: “Khả năng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu gắn với ‘lo sợ về tăng trưởng của Trung Quốc’ sẽ khuyếch đại tác động một cách đáng kể”.

Theo các nhà kinh tế, các điều kiện tài chính thắt chặt có thể tạo ra tác động ngược trở lại, trong đó giá cổ phiếu giảm đi kèm với lợi suất trái phiếu tăng cao, góp phần gây ra biến động thị trường trong bối cảnh niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng yếu. Môi trường này thường dẫn đến việc người tiêu dùng thích tiết kiệm hơn là chi tiêu và do đó làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Các nhà kinh tế của E&Y viết: “Hiện tại, nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi”. “Tuy nhiên, hoạt động kinh tế có thể sẽ ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với những cú sốc bên ngoài khi nhu cầu trong nước ngày càng chậm lại và tạo ra vùng đệm cho tăng trưởng nhỏ hơn”.

(Nguồn: Yahoo Finance)

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ