Vì sao quả mận lại tốt cho người mắc bệnh tiểu đường?

(Banker.vn) Quả mận được xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết thấp, không làm tăng lượng đường trong máu nên thích hợp với người bệnh tiểu đường.
Vì sao người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn miến dong, mì tôm? Nước ép trái cây có tốt cho người tiểu đường

Lợi ích của quả mận

Trong Đông y coi quả mận là một trong những loại quả kiểm soát đường huyết hàng đầu. Loại quả này còn có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, giảm ho, kích thích tiêu hóa.

Theo nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, mỗi quả mận có chứa khoảng 1g chất xơ; 0,5g protein; 6,5g đường và 30 calo/100gr. Đặc biệt, chỉ số đường huyết GI của mận là 24, chỉ số GL là 2, ở mức thấp.

Quả mận tốt cho người mắc bệnh tiểu đường
Quả mận tốt cho người mắc bệnh tiểu đường

Ngoài ra, mận chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể như vitamin C, vitamin A, kali và các khoáng chất. Trong đó, vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống miễn dịch và tăng cường sức đề kháng, giúp phòng ngừa bệnh tật. Đồng thời giúp làm tăng khả năng hấp thụ chất sắt trong cơ thể, góp phần vào sự hình thành tế bào máu, tăng cường tuần hoàn máu và giúp kiểm soát bệnh tim mạch ở người mắc bệnh tiểu đường.

Kali trong mận còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp, bằng cách loại bỏ natri khi người bệnh đi tiểu, giảm căng thẳng ở thành mạch máu, hạn chế nguy cơ biến chứng do tiểu đường.

Loại quả này còn giàu prebiotic - chất xơ thực vật nuôi dưỡng các vi khuẩn tốt trong ruột, giúp đường ruột ổn định, cân bằng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và cải thiện bệnh tiểu đường. Ăn mận thường xuyên có thể thúc đẩy cơ thể sản xuất adiponectin - một loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

Riêng mận đỏ, tím như mận hậu có thêm chất chống oxy hóa khác là anthocyanin và phytochemical. Các chất chống oxy hóa và dinh dưỡng này góp phần kiểm soát triệu chứng bệnh tiểu đường type 2. Ngoài ra, chất chống oxy còn giúp bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào và mô có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, Alzheimer, Parkinson và ung thư.

Những nhóm người không nên ăn mận

Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường không ăn mận với quá nhiều muối hoặc đường vì có thể ảnh hưởng đến đường huyết, huyết áp. Người bệnh nên ăn mận trực tiếp, tránh các loại mận sấy, mứt mận vì chúng chứa hàm lượng đường cao. Nếu sử dụng nước ép mận, người bệnh cần lưu ý mỗi lần uống không quá 25ml, nên chia ra uống 3 lần trong ngày.

Hạn chế ăn mận quá chín, vì mận quá chín sẽ chứa hàm lượng đường cao hơn, chính vì vậy, khi ăn nhiều loại mận này sẽ khiến đường huyết tăng vượt mức an toàn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. Thay vào đó, người bệnh nên lựa chọn những trái mận chín vừa phải.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo một số nhóm người không nên hoặc hạn chế ăn loại quả này, đó là: Người bị nóng trong, Đông y cũng khẳng định, ăn quá nhiều mận có thể gây ra hiện tượng nóng trong, sinh nhiệt và gây nên mụn nhọt trong cơ thể. Phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt nóng hơn người bình thường chính vì vậy nên tránh ăn mận kẻo sinh phát ban hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Người bị bệnh dạ dày: Mận là loại quả có vị chua, chứa hàm lượng axit cao có thể ảnh hưởng đến dạ dày và men răng, đặc biệt ở trẻ em.

Người mắc bệnh thận: Do dượng oxalate dồi dào trong quả mận có thể làm cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này sẽ gây ra hiện tượng kết tủa trong thận, sau một thời gian dài có thể gây ra sỏi thận và sỏi bàng quang.

Để đảm bảo sức khỏe, không chỉ người mắc bệnh tiểu đường mà mỗi người tốt nhất không nên ăn quá nhiều mận một lúc. Trước khi ăn, nên rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng từ 15-20 phút để đảm bảo các chất bẩn, thuốc hóa học còn bám trên mận được loại bỏ hoàn toàn.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục