Vì sao Pacific Airlines ngừng bay suốt nhiều tháng?

(Banker.vn) Pacific Airlines đã trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài dẫn đến việc tạm ngừng bay suốt nhiều tháng trong năm 2024.
44 khách từ chối bay: Hãng bay Pacific Airlines đã báo cáo gì? Quảng Bình: Đề nghị tăng cường chuyến bay đáp ứng nhu cầu đi lại Cục Hàng không chỉ đạo khẩn do liên tiếp những ngày qua xuất hiện sương mù dày đặc

Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Hãng bay này đã trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài dẫn đến việc tạm ngừng bay suốt nhiều tháng trong năm 2024.

Năm 1991, Pacific Airlines được thành lập với các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước. Đến năm 2007, Tập đoàn Qantas mua 30% cổ phần Pacific Airlines, dẫn đến việc đổi tên thành Jetstar Pacific. Sau đó, năm 2012, SCIC chuyển giao 68% vốn cho Vietnam Airlines. Đến tháng 7/2020, hãng lấy lại tên gọi ban đầu là Pacific Airlines.

Vì sao Pacific Airlines ngừng bay suốt nhiều tháng?
Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Hãng bay này đã trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài dẫn đến việc tạm ngừng bay suốt nhiều tháng trong năm 2024

Báo cáo tài chính cho thấy, Pacific Airlines đã lỗ liên tục trong 3 năm sau đại dịch Covid-19, với khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2022 lên hơn 10.700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 6.700 tỷ đồng.

Tháng 3/2024, Pacific Airlines buộc phải tạm ngừng bay do không còn máy bay để khai thác. Hãng này phải hoàn trả toàn bộ máy bay thuê theo thỏa thuận với chủ tàu nước ngoài sau khi đàm phán xóa nợ hơn 250 triệu USD.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam xảy ra trường hợp một hãng hàng không có giấy phép kinh doanh vận tải hàng không nhưng không khai thác bất kỳ máy bay nào.

Sau thời gian nỗ lực tái cấu trúc, ngày 26/6 vừa qua Pacific Airlines chính thức quay trở lại hoạt động bay. Hãng này cho biết sẽ khai thác các đường bay nội địa kết nối TP.Hồ Chí Minh với Hà Nội, Đà Nẵng và Chu Lai với tần suất 6-8 chuyến bay mỗi ngày.

Pacific Airlines không phải là trường hợp duy nhất phải cắt giảm quy mô đội tàu bay.

Trước đó, Bamboo Airways - hãng bay từng khai thác tới 30 tàu bay, trong giai đoạn đỉnh cao cách đây chưa lâu nắm gần 20% thị phần vận chuyển hành khách nội địa - đã phải lần lượt trả sớm 22 tàu bay.

Hãng bay này hiện chỉ còn khai thác khoảng 8 tàu bay thân hẹp Airbus 320, 321, trong khi quy mô tối thiểu để một hãng hàng không có thể có lãi là khoảng 30 chiếc.

Cao điểm hè nhưng khách bay vẫn ít
Hiện tại, mùa cao điểm hè 2024 đã bắt đầu, tuy nhiên thị trường hàng không nội địa ghi nhận tỷ lệ đặt chỗ trung bình thấp. Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn từ 15/6 đến 15/7/2024, tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến các địa phương đạt trên 50% trong các ngày cận kề và cuối tuần (15/6 - 17/6). Con số này giảm xuống chỉ còn 20% - 40% cho các ngày xa hơn.

Tuy nhiên, một số đường bay du lịch nổi tiếng ghi nhận tỷ lệ đặt chỗ cao hơn đáng kể. Chẳng hạn, các chặng bay từ Hà Nội đi Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang; TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang, Điện Biên đều có tỷ lệ đặt chỗ trên 70% trong hai ngày 15/6 và 16/6. Tương tự, các chặng bay từ các địa phương có điểm du lịch nổi tiếng đến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng có tỷ lệ đặt chỗ cao, như Nha Trang - Hà Nội, Huế - Hà Nội, Quy Nhơn - Hà Nội, Đồng Hới - TP. Hồ Chí Minh.

Để kích cầu thị trường, các hãng hàng không Việt Nam thậm chí đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với mức giá đa dạng, trong đó nhiều mức giá thấp hơn đáng kể so với giá tối đa quy định.

Như giá vé khứ hồi (chưa bao gồm thuế phí) cho chặng Hà Nội - Phú Quốc dao động từ 2,7 triệu đồng (Vietnam Airlines) đến 3,4 triệu đồng (Vietjet Air), tương đương 69% - 87% giá tối đa.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương