Vì sao ở Hưng Yên có lễ hội cầu mưa?

(Banker.vn) Lễ hội cầu mưa được tổ chức từ ngày 6 - 8/4 hàng năm (tức 13-15/5/2024), tại chùa Pháp Vân, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Lễ hội đền Suối Mỡ - nét đẹp văn hóa truyền thống Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: Xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch Lễ hội đền Đồng Cổ là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam

Chùa Pháp Vân còn có tên gọi khác là Thái Lạc, là một ngôi chùa cổ đã được xây dựng từ triều Lý, thuộc quần thể chùa thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) tại xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Lễ hội cầu mưa gắn liền với hệ thống thờ Tứ Pháp và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa để người dân có mùa màng bội thu cuộc sống được ấm no hạnh phúc.

Tương truyền rằng, cứ mỗi khi trời hạn hán thì người dân nơi đây lại làm lễ cầu mưa; vì vậy lễ hội không được tổ chức thường xuyên hàng năm. Đến năm 2005 trở lại đây lễ hội cầu mưa mới thực sự trở thành ngày hội vui nhất của người dân nơi đây.

Hội chùa Tứ Pháp tại Hưng Yên
Lễ hội cầu mưa - tỉnh Hưng Yên. Ảnh hungyen.dcs.vn

Tứ pháp là danh từ để chỉ 4 nữ thần trong tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mây, Mưa, Sấm và Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp.

Tín ngưỡng Tứ Pháp được định hình và phát triển trong buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kết nối tinh thần đoàn kết toàn dân trong việc chống lại sự đồng hóa phong kiến phương Bắc.

Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng bản địa của nước ta mang đậm màu sắc của nền văn minh lúa nước kết hợp với Phật giáo. Những cư dân trồng lúa luôn cần nước. Trong 4 nhu cầu thiết yếu mà người nông dân Việt Nam đã tổng kết là "nước, phân, cần, giống” thì nước là hàng đầu, nói đến nước là nói đến mưa. Chính vì thế mà khi Phật giáo mới truyền nhập vào Việt Nam, thì tại trung tâm đầu tiên là Luy Lâu, tức vùng chùa Dâu, nó đã gắn kết với sự sùng bái 4 nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Các hội chùa Tứ Pháp cho ta thấy một cách sống động sự tiếp hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng cầu mùa của người nông dân Việt Nam vẫn diễn ra...

Theo truyền thống của người Việt, tại chùa Pháp Vân, lúc có hạn hán, người ta rước tượng Pháp Vân ra khỏi chùa, cùng với tượng của các bà Pháp Lôi, Pháp Vũ ở các chùa gần đó đến chùa Ôn Xá (được gọi là chùa Un) - nơi thờ bà Pháp Điện để làm lễ cầu mưa.

Lễ rước diễn ra như sau: Đi đầu đoàn rước kiệu là đội múa rồng, tiếp đến là những người tham gia rước kiệu, họ là những người khỏe mạnh, cưởi trần, đóng khố.

Đặc biệt trong lễ hội không thể thiếu đoàn nhạc. Người dân đứng hai bên đường chờ đoàn rước kiệu đi qua thì té nước, làm như thế là để cầu may, những ai được dính nước sẽ được may mắn. Mọi người cùng nhau chui qua kiệu mong được sức khỏe và bình an.

Theo truyền thuyết người dân kể lại, bà (Pháp Điện) chỉ được ở trong chùa không được đi ra ngoài, bởi nếu ra ngoài cửa chùa thì sẽ bị hạn hán, bà Pháp Điện nhìn về hướng nào nơi đó sẽ bị cháy... nên đội rước bà Pháp Điện chỉ chạy ra đến cửa chùa chào các chị (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi) rồi lại quay vào.

Cũng giống với các lễ hội của người dân làm nông, lễ hội cầu mưa là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn liền với đời sống tinh thần của người làm nông nghiệp. Là lễ hội được bắt nguồn từ nông nghiệp và phục vụ mục đích nông nghiệp nên trong tâm thức của người nông dân, mở hội cầu mưa cũng là để cầu cho cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục