Vì sao người mắc bệnh tiểu đường thường mỡ máu cao và cách phòng tránh

(Banker.vn) Người mắc bệnh tiểu đường thường có nồng độ mỡ trong máu tăng cao, nếu không kiểm soát tốt dễ dẫn tới biến chứng bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim…
Những nguy hiểm do stress gây ra với người mắc bệnh tiểu đường? Nhập viện cấp cứu sau khi uống 20 gói thuốc nam chữa bệnh tiểu đường

Hiểm họa từ tiểu đường và mỡ máu

Nhiều nghiên cứu cho thấy, mỡ máu cao và tiểu đường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mỡ máu cao dẫn tới kháng insulin mà tuyến tụy tiết ra để điều hòa lượng đường huyết trong máu. Từ đó, khiến người bị mỡ máu cao dễ mắc bệnh tiểu đường hoặc làm tình trạng bệnh nặng hơn.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, khoảng 70 - 90% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có rối loạn mỡ máu. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy mỡ máu cao ở bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ và bệnh lý tim mạch.

Vì sao người mắc bệnh tiểu đường thường mỡ máu cao và cách phòng tránh
Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát cholesterol

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 50.000 người chết vì tiểu đường. Do đó, khi một người bị mỡ máu cao cần đặc biệt chú ý đến chỉ số đường huyết của mình. Vì khi đường huyết trong máu tăng cao sẽ tạo thành lớp bao phủ lên các thụ thể chuyên loại bỏ LDL-c (một loại mỡ máu xấu) tại gan, làm gan không thể loại bỏ được cholesterol dẫn tới tình trạng cholesterol sẽ không ngừng tăng cao trong máu.

Thêm vào đó, khi đường huyết tăng cao, độ nhớt của máu tăng sẽ làm tăng sự lắng đọng và bám dính của tế bào mỡ vào thành mạch, tạo nên các mảng xơ vữa và làm cho thành mạch bị hẹp dần lại.

Ngược lại, khi mỡ máu tăng cao, mỡ máu xấu sẽ kháng lại chất insulin – nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra để điều hòa chuyển hóa đường, làm người bệnh dễ bị mắc bệnh đái tháo đường hoặc làm cho bệnh tiểu đường nặng hơn.

ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư – Bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ: Bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện rối loạn mỡ máu không hiếm gặp. Có tới 70% người bệnh đái tháo đường tuýp 2 bị rối loạn mỡ máu. Điều đó có nghĩa, mức đường huyết cao là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả cholesterol cao.

Không chỉ vậy, ngay cả những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 có lượng đường trong máu được kiểm soát tốt cũng có khả năng bị mỡ máu cao. Sự kết hợp giữa rối loạn lipid máu và đái tháo đường là nguyên nhân khiến bệnh nhân tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa, bao gồm nhồi máu cơ tim cấp, cơn đau thắt ngực không ổn định, hội chứng động mạch vành mạn, nhồi máu não, hay bệnh động mạch ngoại biên chi dưới.

Bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư cho biết thêm, cholesterol không phải hoàn toàn là một chất xấu. Nó là một trong những thành phần của màng tế bào trong cơ thể, nguyên liệu giúp tổng hợp acid mật và một số loại nội tiết tố. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol trong máu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.

Điều trị mỡ máu ở người bệnh tiểu đường

Các chuyên gia khuyến cáo: Những người bệnh tiểu đường nhưng chưa mắc bệnh mạch vành thường là đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch xơ vữa. Do đó cố gắng duy trì mức LDL-C dưới ngưỡng 70 mg/dL.

Đối với những người bị cả bệnh lý đái tháo đường và mạch vành là đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ rất cao mắc bệnh tim mạch xơ vữa, nên đảm bảo mức LDL-C tối đa là 55 mg/dL.

Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát cholesterol. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những người tuân thủ thực đơn ăn uống có kiểm soát, giảm chất béo bão hòa và tăng cường thực phẩm lành mạnh, có thể làm giảm lượng LDL-C đáng kể.

Chế độ ăn thân thiện với người bệnh mỡ máu cao bao gồm các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau củ, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Bên cạnh đó, những bệnh nhân đái tháo đường nên tránh các loại thực phẩm nhiều muối hoặc đường, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol xấu và chất béo bão hòa, như thực phẩm chế biến sẵn đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán.

Song song với việc điều chỉnh thực đơn ăn uống, duy trì tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, và ít nhất 5 ngày/tuần cũng được các bác sĩ khuyến nghị. Các bài tập phù hợp với người bệnh là đạp xe, đi bộ nhanh, bơi lội, aerobic… Tập thể dục là biện pháp giúp giảm LDL-C và tăng HDL-C hiệu quả.

Với những người thường xuyên hút thuốc và uống rượu bia thì nên từ bỏ thói quen này, vì không chỉ giúp giảm cholesterol xấu mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể.

Người bị rối loạn lipid máu mức độ nặng, ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị mỡ máu. Việc kê toa này dựa trên tiền sử sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Vì thế, phải dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thực đơn cho người tiểu đường mỡ máu cao

Bệnh tiểu đường và máu nhiễm mỡ đều là những bệnh lý nguy hiểm, những người này cần có sự kiểm soát chặt chẽ với mỗi bữa ăn. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng cùng bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra một số nguyên tắc trong xây dựng thực đơn cho người bệnh tiểu đường có mỡ máu cao như sau:

Nguyên tắc 1: Giảm đường trong khẩu phần ăn, đây là cách nhanh và hiệu quả nhất để kiểm soát đường huyết của người bệnh. Do đó, người bệnh tiểu đường mỡ máu cao cần hạn chế ăn nhiều tinh bột, đặc biệt không ăn quá nhiều trong một bữa sẽ khiến đường huyết sau ăn tăng cao đột ngột, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bên cạnh đó, các thực phẩm chứa đường hóa học như bánh, kẹo, đồ uống ngọt… cũng nên loại bỏ khỏi thực đơn do ảnh hưởng tiêu cực đến đường huyết.

Nguyên tắc 2: Giảm chất béo trong khẩu phần ăn, chế độ ăn giàu lipid làm tình trạng tiểu đường và mỡ máu tiến triển nhanh, dẫn đến các biến chứng mạch máu, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Người bệnh tiểu đường có kèm mỡ máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 2 - 4 lần, tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ từ 2-6 lần, tăng nguy cơ bị tổn thương mạch máu gấp 10 lần so với bệnh nhân tiểu đường thông thường.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương