Vì sao Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất điều hành?

(Banker.vn) Khác với nhiều quốc gia trong khối EU, Mỹ hay Nhật Bản cùng chịu sự tác động của đại dịch COVID-19 đã phải co thị trường tài chính (TTTC) lại, thì Trung Quốc lại dùng chính sách kích hoạt TTTC bằng cả giải pháp giảm giá vốn và chuyển thẳng vốn tới các loại ngành, loại lĩnh vực có khả năng sử dụng hiệu quả đồng vốn và sức lao động phù hợp để phát triển sản xuất kinh doanh và tạo chuỗi hiệu ứng vốn…

Ngày 15/8/2022, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Trung Quốc (PBOC) bất ngờ công bố hạ lãi suất.  PBOC cắt giảm lãi suất chủ chốt áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn cấp cho các ngân hàng thương mại từ mức 2,1% về 2%. Lãi suất của chương trình cho vay 1 năm cũng giảm về 2,75% từ mức 2,85%. Đây là lần thứ 2 trong năm, PBOC cắt giảm các loại lãi suất này.

Việc NHTW Trung Quốc công bố hạ lãi suất ở góc độ nào đó đã tạo thêm rủi ro cho đồng Nhân dân tệ, bởi áp lực bởi các dòng vốn đã và sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, mức hạ lãi suất cho dù rất nhỏ nhưng đó vẫn là việc mà Trung Quốc cần làm để khẳng định vai trò điều hành của NHTW tác động gián tiếp qua công cụ thị trường tới TTTC, làm thay đổi giá các hàng hóa trên TTTC và góp phần triệt tiêu kỳ vọng theo qui luật của thị trường. Nếu vẫn để lãi suất cao sẽ dễ tạo vòng xoáy suy giảm kinh tế còn tai hại hơn là hạ lãi suất.

Đầu tư tài chính vào tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 0,16% so với tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm 2022, đầu tư tài sản cố định đạt 31.980 tỷ Nhân dân tệ (4.740 tỷ USD), tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản của người dân Trung Quốc tính trong cả 7 tháng đầu năm nay đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 7.950 tỷ Nhân dân tệ (1.180 tỷ USD). Nhưng cũng nhờ đó mà giá nhà ở tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 7 nhìn chung ổn định. Giá nhà mới xây tại 4 thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu chỉ tăng nhẹ 0,3% so với tháng 6. Giá nhà mới tại các thành phố còn lại hầu như không tăng hoặc thậm chí giảm ở nhiều thành phố.

Có thể nói, thông qua việc công bố giảm lãi suất của NHTW, chính phủ Trung Quốc không chỉ muốn hỗ trợ nền kinh tế vực dậy trong trì trệ mà cũng đồng thời chứng minh sự khác biệt trong việc lựa chọn chính sách tài chính so với các nền kinh tế lớn khác ở EU hay Mỹ vốn đang tăng mạnh lãi suất để tạo bức tường chặn vốn vào và hút vốn về từ TTTC nhằm chống lạm phát do khủng hoảng ngưng trệ sản xuất kinh doanh bởi đại dịch COVID-19.

Cùng với chủ trương giảm lãi suất để làm thay đổi cơ cấu TTTC, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo cho nâng hạn mức tín dụng lên 120 tỷ USD cho các dự án hạ tầng nhằm vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp nghiêm ngặt trong việc phòng dịch COVID-19.

Trong những tháng nửa đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại chủ yếu là do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh quá nghiêm ngặt khiến nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Cuối tháng 5/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế vào những ngành, những lĩnh vực phù hợp trong 2 quý cuối năm nay. Việc hỗ trợ các dự án hạ tầng giao thông tại những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất được xem là giải pháp chủ chốt để tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các địa phương đó.

Ngày 1/6/2022, Thủ tướng Trung Quốc đã chủ trì một cuộc họp của Quốc vụ viện với việc thông qua khoản ngân sách lớn để phát triển hạ tầng. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin nêu bật tầm quan trọng của việc nâng hạn mức tín dụng không chỉ tại các NHTM mà còn tại các ngân hàng chính sách thêm 800 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 120 tỷ USD) để phối hợp phát triển hạ tầng. Các chuyên gia cho rằng, việc bổ sung hạn mức tín dụng cho ngân hàng chính sách nói riêng và các NHTM nói chung sẽ giúp các chính quyền tỉnh, thành phố của Trung Quốc đáp ứng được các mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra trong nỗ lực để vừa tạo việc làm, vừa tạo chuỗi cung ứng hạ tầng phù hợp nhằm khắc phục sự trì trệ bởi đại dịch COVID.

Cùng với chiến dịch phát triển xây dựng hạ tầng giao thông, ngày 31/5/2022, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố một gói 33 biện pháp bao trùm các lĩnh vực tài chính, đầu tư và sản xuất kinh doanh để vực dậy nền kinh tế sau thời gian thực hiện lệnh phong tỏa gắt gao nhằm chặn đứng đà lây lan của đại dịch tại hàng chục tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, Trung Quốc đang kích hoạt sự phát triển lành mạnh của các công ty nền tảng được đánh giá có vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường việc làm. Các công ty nền tảng cũng được khuyến khích hoạt động để tạo ra sự đột phá trong một loạt lĩnh vực như điện toán đám mây, sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ blockchain. 

Về chính sách tài chính tiền tệ, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo tăng cường hiệu quả tài chính thông qua thị trường vốn, bằng cách hỗ trợ các công ty trong nước niêm yết ở thị trường Hong Kong và quảng bá ra nước ngoài danh sách của các công ty nền tảng uy tín, chất lượng. Ngoài ra, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã tuyên bố tiếp tục giảm hơn nữa chi phí đi vay và tăng cường hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. Để tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và tiền mặt hỗ trợ cho các công ty tuyển công nhân và thuê sinh viên tốt nghiệp đại học mở rộng qui mô hoạt động của các ngành hạ tầng giao thông và công nghệ...

Bên cạnh các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và ổn định chuỗi cung ứng, giới chức Trung Quốc cũng đang thực hiện chiết khấu thuế cho thêm nhiều ngành nghề, đồng thời cho phép các công ty trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp hạn chế COVID-19 được hoãn chi trả các khoản an sinh xã hội. Từ những cố gắng nói trên, theo số liệu tổng hợp của ngành thống kế Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc đã tiếp tục giảm xuống còn 5,4% trong tháng 7, từ mức 5,5% trong tháng 6/2022.

Tóm lại, khác với nhiều quốc gia, trong khi EU, Mỹ hay Nhật Bản cùng chịu sự tác động của đại dịch COVID-19 đã phải co TTTC lại bởi sự đình trệ sản xuất, thì Trung Quốc lại dùng chính sách kích hoạt TTTC bằng cả giải pháp giảm giá vốn và chuyển thẳng vốn tới các loại ngành, loại lĩnh vực có khả năng sử dụng hiệu quả đồng vốn và sức lao động phù hợp ngay trong môi trường phải chống chọi với đại dịch COVID-19 để phát triển sản xuất kinh doanh và tạo chuỗi hiệu ứng vốn.

TS. Nguyễn Đại Lai

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục