Vì sao na Chi Lăng chinh phục được người tiêu dùng Thủ đô?

(Banker.vn) Cùi dày, ít hạt và có vị thơm ngon đặc trưng của núi rừng xứ Lạng, na Chi Lăng từng bước chinh phục người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn đến người tiêu dùng Thủ đô Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng

Người dân Chi Lăng làm giàu từ cây na

Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023 diễn ra từ ngày 24 – 27/8 tại Khu Hội chợ triển lãm, Giao dịch kinh tế và Thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội quy tụ 80 gian hàng, trong đó, khu gian hàng quảng bá, giới thiệu na Chi Lăng - sản vật bậc nhất xứ Lạng từ vách núi đá vôi và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn được thiết kế nổi bật, bắt mắt và thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô đến tham quan và mua hàng.

Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023
Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023 thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua hàng

Na được các gian hàng phân theo size, cơ. Trái to, mẫu mã đẹp được bán dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg; cỡ trung bình từ 40.000 – 60.000 đồng/kg; cỡ nhỏ thì từ 30.000 – 40.000 đồng/kg.

Phiên chợ được diễn ra đúng dịp rằm tháng 7 âm lịch nên lượng khách hàng vào tham quan và mua hàng lại càng đông. Chị Nguyệt Ánh (đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Biết đến Phiên chợ, chúng tôi vào mua na để thắp hương gia tiên ngày rằm tháng 7. Năm nay, giá na ngoài chợ cao hơn mọi năm, mẫu mã cũng không đẹp bằng. Đến với Phiên chợ, chúng tôi mua được “na chuẩn Chi Lăng”, mẫu mã sáng đẹp, giá cả hợp lý”.

Na Chi Lăng - Sản vật bậc nhất xứ Lạng
Na Chi Lăng - sản vật bậc nhất xứ Lạng

Liên tục khách hàng ra vào gian hàng của Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ (khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) tại Phiên chợ đã phần nào đó khẳng định được thương hiệu của na Chi Lăng với người tiêu dùng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Trí Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ - cho biết, với diện tích trồng khoảng 22ha, từ năm 2019 đến nay, việc tiêu thụ được chúng tôi thực hiện qua nhiều kênh như bán cho qua các thương lái, đưa hàng vào các siêu thị, bán trên kênh thương mại điện tử và bán lẻ.

Nếu như trước kia, bà con trồng na còn chưa chú ý đến khâu trồng, chăm sóc, thì nay, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tập huấn chăm sóc cây na, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng theo quy trình VietGAP, chất lượng, mẫu mã trái na của hợp tác xã đã tăng lên rất nhiều, giá bán na cũng được cao hơn, từ đó, tăng thu nhập cho các hội viên.

Nhấn mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng, ông Nguyễn Trí Tuấn cho biết: “Trước đây, khi chưa có các hoạt động hội chợ, tuần hàng thì sản phẩm na của chúng tôi cũng chưa được nhiều khách hàng biết tới. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các Bộ, ngành địa phương, thương hiệu na Chi Lăng đã đến được với đông đảo khách hàng trong nước. Họ gọi điện thoại đặt hàng và chúng tôi giao đến tận nơi cho khách hàng”.

Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Tổng diện tích trồng na trên toàn địa bàn huyện Chi Lăng khoảng 2.600 ha, trong đó có trên 2.300 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 25 nghìn tấn/năm, mang lại doanh thu gần 800 tỷ đồng/năm. Bà Vi Thị Thu Hà – Chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng – chia sẻ, na Chi Lăng thơm ngon, cùi dày, ít hạt, có vị đặc trưng của núi rừng xứ Lạng, do đó, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng yêu thích.

Hiện, toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP, trong đó, riêng na có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Cùng với việc chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng, theo bà Vi Thị Thu Hà, hiện, người trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các giống na trên địa bàn huyện Chi Lăng đã được bà con tập trung rải vụ.

“Trước đây, na Chi Lăng chỉ tập trung thu hoạch trong khoảng 1 tháng, nhưng nay đã kéo dài tới 6 tháng, đến tận tháng 11 và 12 âm lịch, bà con vẫn có na để bán. Chính việc này giúp bà con trồng na giảm bớt áp lực tiêu thụ cùng một thời điểm, giữ được giá bán cao, tăng doanh thu từ việc trồng na. Nhiều bà con nông dân làm giàu từ trái na”, bà Vi Thị Thu Hà cho biết.

Không chỉ người tiêu dùng trong nước yêu thích, na Chi Lăng, trái cây được thị trường trong nước rất ưa chuộng và đang vươn mạnh sang thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc … và được đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế người nông dân, hợp tác xã mới giỏi về sản xuất, còn vấn để triển khai bao bì sản phẩm thiết kế mẫu mã, xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều khó khăn. Việc bán hàng trên các nền tảng số hay thương mại điện tử còn nhiều hạn chế. Do đó, bà con trồng na Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung rất cần sự đồng hành của các Bộ, ngành chức năng, địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm na nói riêng, các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương nói chung để đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến.

Đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm na Chi Lăng vươn xa

Na là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Lạng Sơn. Sản phẩm sản xuất theo VietGAP đã được gắn tem nhận diện. Bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn - cho biết, hiện tỉnh cũng đã xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Đối với nông sản chủ lực khác, tỉnh đã có hơn 4.000 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; gần 900 ha được cấp mã số vùng trồng… Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tăng mã số vùng trồng để nhiều nông sản Lạng Sơn ra thị trường thế giới hơn.

Bà Trần Thanh Nhàn, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng (Lạng Sơn) cho biết, người dân Chi Lăng ngày càng nâng cao trình độ canh tác, tạo ra những trái na có chất lượng thơm ngon, trái to đều.
Bà Trần Thanh Nhàn, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng (Lạng Sơn) (đứng thứ hai, từ phải sang) cho biết, người dân Chi Lăng ngày càng nâng cao trình độ canh tác, tạo ra những trái na có chất lượng thơm ngon, trái to đều.

Với thế mạnh nông nghiệp đa dạng, phong phú, Lạng Sơn mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất các doanh nghiệp tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, tuần lễ nông sản giới thiệu sản phẩm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, hỗ trợ tổ chức kinh tế tham gia các hội chợ trong, ngoài tỉnh và quốc tế tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bản tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Liên quan đến việc bán hàng trên các nền tảng số hay thương mại điện tử, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp – (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - cho biết, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm theo phương thức truyền thống, chúng tôi cũng đổi mới hoạt động xúc tiến như livestream bán sản phẩm.

Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn trực tiếp các doanh nghiệp, hợp tác xã cách thức tham gia một số sàn thương mại điện tử lớn và thực hành mở tài khoản, tạo kênh, làm nội dung livestream bán hàng qua nền tảng số, mạng xã hội,…

Việc này sẽ hỗ trợ tích cực cho na Chi Lăng nói riêng, nông đặc sản Lạng Sơn nói chung trong việc quảng bá thương hiệu đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, tạo cơ hội kết nối hợp tác, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương.

Bà Trần Thanh Nhàn – Bí thư huyện ủy Chi Lăng (Lạng Sơn)

Hiện chúng tôi cũng đang hướng dẫn bà con trồng na theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường khó tính, đồng thời cấp mã vùng trồng cho bà con nông dân, để khi các thị trường mở cửa chính ngạch thì sản phẩm na Chi Lăng có thể xuất khẩu được ngay.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương