Vì sao khối ngoại bán ròng?

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ khi VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8. Tuy nhiên, trong sự lạc quan đó, vẫn còn nhiều ẩn chứa nhiều nỗi lo khi mà khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ khi VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8. Tuy nhiên, trong sự lạc quan đó, vẫn còn nhiều ẩn chứa nhiều nỗi lo khi mà khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng.

Dữ liệu thống kê từ Stockq cho biết VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8. Thậm chí, VN-Index còn vượt qua đà tăng của các chỉ số lớn như Russell 3000, Nasdaq, Dowjones, S&P500, Nikkei 225… Trong khi đó, trái ngược với đà tăng của VN-Index, các chỉ số chứng khoán của các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Thâm Quyến…đều ghi nhận đà sụt giảm trong tháng.

Trong thời gian qua, các nhà đầu tư ngoại lại phản ứng khá tiêu cực với xu hướng thị trường. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 8 tháng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 6.000 tỷ đồng trên HOSE.

Bên cạnh thông tin về vắc-xin và thuốc trị Covid-19, việc nhiều nền kinh tế vượt qua quý II/2020 đầy khó khăn là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam hồi phục. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng đang kì vọng vào quý III với những dự báo khá lạc quan về mức tăng trưởng GDP 15-20% so với quý trước. Trong nước, những dấu hiệu tích cực chung trên toàn cầu cùng với nỗ lực của Chính phủ trong việc phòng chống Covid-19 gắn với ưu tiên hỗ trợ cộng động doanh nghiệp phát triển sản xuất, khiến nhiều nhà đầu tư yên tâm hơn trong giải ngân cho các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, điều có thể thấy, trong thời gian qua, trên TTCK Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại lại phản ứng khá tiêu cực với xu hướng thị trường. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 8 tháng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 6.000 tỷ đồng trên HOSE. Riêng trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng với giá trị hơn 3.354 tỷ đồng, trong khi trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 164 tỷ đồng.

Trong tháng 8, điểm sáng duy nhất đi ngược lại xu thế bán ròng ồ ạt của khối ngoại là việc  quỹ Vaneck Vector Vietnam ETF (VNM ETF) khi hút ròng 7,1 triệu USD và cũng là tháng hút vốn thứ 3 liên tiếp. Thống kê cho thấy, tính chung trong 3 tháng gần nhất, VNM ETF đã giải ngân vào TTCK Việt Nam khoảng 18 triệu USD (khoảng 420 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia, việc quỹ ETF lớn nhất trên TTCK Việt Nam liên tiếp hút vốn những tháng gần đây góp phần củng cố tâm lý giới đầu tư, cũng như giảm tải áp lực bán ròng của khối ngoại trên thị trường.

Theo thông tin từ HOSE, Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) vừa đăng ký bán ra toàn bộ hơn 3,05 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến từ 7/9-6/10/2020, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn. Nếu giao dịch thành công, JAMBF sẽ không còn sở hữu cổ phiếu MBB nào.

Theo ý kiến một số chuyên gia, TTCK Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ chờ cơ chế thông thoáng hơn mới tăng cường giải ngân. Đặc biệt là các quy định liên quan đến hành lang pháp lý mới cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài như giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày (T+0); bán chứng khoán chờ về; không bắt buộc nhà đầu tư phải có 100% tiền, chứng khoán trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh mua - bán; lộ trình triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)…

Ngoài ra, trong thời gian tới, cũng sẽ có nhiều yếu tố tác động đến chiến lược đầu tư và giải ngân của nhà đầu tư ngoại trên thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng như: kết quả thương thảo giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại; Tình hình Covid-19, vắc-xin và thuốc trị...

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, trong bối cảnh đó, để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư của khối ngoại, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thị trường, đẩy nhanh tiến độ triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới... để tận dụng cơ hội khi mà Việt Nam đang tạo được niềm tin cho nhà đầu tư do nỗ lực phòng chống Covid-19 hiệu quả, GDP tiếp tục có mức tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm. 

Hoa Sơn - Theo Tạp chí Ngân hàng

Theo: tapchinganhang.com.vn
    Bài cùng chuyên mục