Vì sao kênh đào chưa được “gọi tên” trong Luật ?

(Banker.vn) Góp ý về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có ý tưởng cho một kế hoạch mới, chủ động cho tương lai khi xuất hiện các kênh đào mới.
Có nên đưa nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)? Bổ sung trách nhiệm quản lý tài nguyên nước của Chính phủ, các bộ Đại biểu Quốc hội đề nghị có giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt

Ngày 26/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Vì sao kênh đào không được “gọi tên” trong luật?
Đại biểu Vũ Trọng Kim - đoàn Nam Định

Nghiên cứu dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - đoàn Nam Định nhận thấy phạm vi điều chỉnh và một số điều luật cần thiết phải bổ sung thêm đó là: Kênh đào.

"Đầm, hồ nước được gọi tên và có điều luật để điều chỉnh, vì sao cũng là nhân tạo mà kênh đào tên hay thế mà Luật chẳng gọi tên" - ông Kim nói.

Đề nghị trong dự thảo Luật nên có điều luật quy định về quản lý, khai thác và sử dụng, bảo vệ kênh đào, đại biểu cho biết, ở nước ta, loại công trình này mới xuất hiện tại tỉnh Nam Định, đó là kênh đào sông Đáy kết nối sông Ninh Cơ.

Rõ ràng đây là công trình đem lại nhiều lợi cho dân sinh, cho cả nông, ngư nghiệp lẫn giao thông vận tải, nhất là lợi về giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm tiền của nhân dân và doanh nghiệp, vì nó sinh lời khá lớn và ổn định.

"Nhân dân vùng đồng bằng sông Hồng rất biết ơn Chính phủ vì đã đầu tư lớn một loại công trình mới trên 100 triệu USD, tương đương với 2.300 tỷ đồng, nay đã hoàn thành và đi vào khai thác sử dụng có hiệu quả" - ông Vũ Trọng Kim cho hay.

Đại biểu đoàn Nam Định phân tích, kênh đào Suez mệnh danh là kỳ quan thép cùng với 6 kênh đào nổi tiếng khác trên thế giới đã làm thay đổi cục diện giao thông vận tải, phát triển kinh tế khá năng động và thú vị. Như kênh đào sông Đáy - Ninh Cơ này cũng có tính chất hoạt động khoa học công nghệ như kênh đào Suez.

“Tôi không cường điệu, bởi vì công trình này có tính chất kỹ thuật là phải dùng âu tàu đưa nước lên, nước xuống cho tàu bè 2.000-3.000 tấn qua lại, vì vậy rất xứng đáng có chỗ đứng trong Luật Tài nguyên nước của chúng ta đang bàn ở đây- đại biểu Vũ Trọng Kim nói.

Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy phạm pháp luật để quản lý, khai thác và sử dụng loại công trình này, kể cả việc phòng, chống, khắc phục hậu, quả tác hại do nước hoặc sự cố tại công trình, không thể bỏ qua loại công trình mới xuất hiện ở nước ta.

Ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, nước là loại tài nguyên quan trọng nhất, nhì, thiếu cơm 10 ngày chưa chết nhưng thiếu nước 5-7 ngày con người ta có thể chết ngay. Với tầm nhìn xa, đại biểu đề nghị chúng ta cần có ý tưởng cho một kế hoạch mới, chủ động cho tương lai khi xuất hiện một kênh đào mới, tên là Kra xuất phát từ Nam Thái Lan, hướng tuyến ngang qua đảo Phú Quốc của nước ta.

Bên cạnh đó, tương lai có thể xuất hiện một kênh đào mới nữa mang tên Đông Dương từ sông Mê Kông, Lào chảy về miền Trung Việt Nam - đó là điểm xuất phát tại đoạn sông Sê-băng-hiêng của nước bạn Lào giáp với sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Con kênh tương lai này chỉ có khoảng 14 km nếu đi theo đường chim bay.

Tầm nhìn xa trông rộng cỡ 50 năm thì đây không phải là một ý tưởng không tưởng. Vì vậy, nhà nước cần có kế hoạch nghiên cứu - đại biểu bày tỏ, đồng thời cho rằng, kênh đào Đông Dương trong tương lai đem đến nhiều cái lợi, không những sinh lợi từ nguồn tài nguyên nước cho phát triển nền nông nghiệp toàn diện mà còn phát triển giao thông vận tải, dịch vụ du lịch cho cả vùng trên bán đảo Đông Dương.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội hãy coi kênh đào một thuật ngữ mới để có chế định, chế tài vào các Điều 3, Điều 39, Điều 53 và các điều khoản khác cho tương thích với một loại công trình mới, với nguồn lợi đa chiều. Một loại công trình cũ của thế giới nhưng là công trình mới của Việt Nam cần quan tâm.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương