Vì sao giá vàng thế giới có thể lên tới 3.000 USD?

(Banker.vn) Theo các chuyên gia từ Ngân hàng Citi, giá vàng thế giới có thể đạt mức kỷ lục 3.000 USD nếu căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục nóng lên.
Vì sao giá vàng thế giới tăng phi mã và chưa có dấu hiệu dừng lại? Vì sao giá vàng và giá đô la Mỹ đồng loạt tăng? Giá vàng tăng sau vụ Iran tấn công Israel; Mỹ kêu gọi tránh leo thang ở Trung Đông

Giá vàng thế giới đang dao động gần mức cao kỷ lục sau khi căng thẳng giữa Iran và Israel bùng phát vào ngày 14/4, thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư an toàn. Giá vàng đã lập một kỷ lục khác vào thứ Hai, với giá vàng tương lai giao dịch tháng 6 tăng 0,37% lên mức 2.383 USD/ounce. Giá vàng thỏi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.448,80 USD/ounce trong ngày thứ Sáu tuần trước. Theo thống kê của CNBC, giá vàng đã tăng 14% kể từ đầu năm đến nay.

Căng thẳng Iran - Israel: Vì sao giá vàng thế giới có thể lên tới 3000 USD?
Giá vàng sẽ lên đến 3000USD/ounce nếu căng thẳng Iran - Israel tiếp tục.
Nguồn ảnh: Andrey Rudakov, Bloomberg.

Được biết, tuy Israel đã ngăn chặn thành công đợt tấn công vừa qua của Iran, lãnh đạo nước này đã đe dọa Iran “sẽ phải trả giá đắt”. Ông Bartosz Sawicki, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính quốc tế Conotoxia cho biết, động thái trả đũa của Israel có thể dẫn đến lan tỏa xung đột tại Trung Đông. Qua đó sẽ thúc đẩy giá vàng, cũng như giá dầu và giá đồng Đô la Mỹ.

Tuy vậy, lo ngại về căng thẳng địa chính trị Trung Đông không phải là lý do duy nhất thúc đẩy giá vàng. Các nhà đầu tư cũng đang cảnh giác với tình trạng lạm phát cao kéo dài tại Mỹ, và khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thực tế, vàng được coi như một hàng rào chống lạm phát, và có xu hướng tăng giá trong thời kỳ kinh tế bất ổn như hiện nay, khi các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.

Giá vàng cũng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, vốn mang lại lợi nhuận thấp hơn. Dữ liệu lạm phát Mỹ trầm trọng hơn dự kiến trong tháng 3 đã đẩy kỳ vọng của thị trường về hai lần giảm lãi suất thay vì ba lần như trước đó.

Ngoài ra, theo nhà phân tích Gregory C. Shearer tại Ngân hàng JP Morgan (Anh), một lý do khác có thể thúc đẩy giá vàng chính là về phía người bán. Trả lời phỏng vấn với CNBC, ông phát biểu: “Đối với chúng tôi, quan sát đáng ngạc nhiên nhất là lượng vàng bán ra ít hơn mong đợi trong bối cảnh giá vàng tăng đột biến. Thực tế, thay vì bị thúc đẩy bởi nhu cầu mua vàng, có vẻ như đợt tăng giá vào đầu tháng 4 liên quan nhiều hơn đến việc không có người bán”. - Michael Bloom của CNBC đã đóng góp cho báo cáo này.

Giá vàng trong tương lai sẽ biến động ra sao?

Chia sẻ với chuyên trang Mint, Ông Anuj Gupta, Giám đốc Hàng hóa và Tiền tệ tại công ty tài chính HDFC Securities (Ấn Độ) nhận định: “Trên thị trường quốc tế, giá vàng đang nằm trong khoảng từ 2.360 USD đến 2.400 USD/troy ounce. Khi vượt qua rào cản 2.400 USD, giá vàng có thể tăng lên mức 2.430 USD/ounce trong thời gian tới.”

Lạc quan hơn, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Citi (Mỹ) cho biết: “Chúng tôi dự đoán vàng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce trong vòng 6-18 tháng tới”. Trong thông báo ngày 15/4, đại diện ngân hàng đã đưa tình hình địa chính trị đang nóng dần cùng chỉ số thị trường chứng khoán tăng kỷ lục là lý do cho sự tăng trưởng này.

Đánh giá về giá vàng trong tương lai, đại diện Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng đà tăng của thị trường vàng là "không thể lay chuyển", dẫn lời kênh CNBC. Được biết, ngân hàng này cũng đã điều chỉnh giá vàng mục tiêu từ 2.300 USD/ounce lên 2.700 USD/ounce vào cuối năm nay.

Ngược lại, Ngân hàng JPMorgan (Anh) đang dự báo giá vàng thỏi sẽ đạt trung bình 2.500 USD/ounce trong quý 4, nhưng ông Gregory C. Shearer, đại diện ngân hàng, cho rằng căng thẳng ở Trung Đông và lệnh cấm vàng của Nga có thể đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa. Ông nói: “Dựa vào những biến động trong thời gian gần đây, giá vàng vẫn có thể gặp rủi ro trong thời gian tới mặc dù yếu tố địa chính trị sẽ làm gia tăng xu hướng mua vàng. Tuy vậy, nhìn chung, chúng tôi cho rằng bất kỳ sự sụt giảm về giá là không đáng kể và giá vàng sẽ tiếp tục đà tăng trong các quý tới.”

Căng thẳng Iran - Israel: Vì sao giá vàng thế giới có thể lên tới 3000 USD?
Giá vàng thế giới ghi nhận vào lúc 11h11 ngày 17/4/2024

Tính đến 11h11 ngày 17/4/2024, giá vàng thế giới đang giao động ở mức 2381 USD/ounce, giảm 1,10 USD so với ngày hôm trước. Giá vàng tương lai trên sàn Comex đã giảm 9,10 USD (tức 0,38%), hiện tại giao động ở mức 2398,70 USD/ounce.

Căng thẳng Iran - Israel: Vì sao giá vàng thế giới có thể lên tới 3000 USD?
Giá vàng niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn lúc 11h07, ngày 17/04/2024

Tính đến 11h11 ngày 17/4/2024, giá vàng trong nước đã có sự tăng nhẹ so với giá ngày hôm qua, và chênh lệch lớn so với hồi sáng. Ở chiều mua, giá vàng SJC được niêm yết bởi Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn đang là 82,3 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với hồi sáng. Ở chiều bán, giá vàng cũng tăng 500.000 đồng/lượng so với hồi sáng, hiện đang ở mức 84,3 triệu đồng/lượng.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư đã nắm giữ vàng trước đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, nếu thấy mức lợi nhuận đã hấp dẫn, các nhà đầu tư và người dân nên bán ra, lấy lời. Thời điểm này, các nhà đầu tư nên hạn chế mua vàng tích trữ, chờ những chỉ đạo điều hành từ Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước. Nếu mua vàng khi giá đang trên vùng đỉnh, nhà đầu tư có thể đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Phú Quý (theo CNBC, Mint)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục