Vì sao giá vàng chênh lệch lớn trước Ngày vía Thần Tài?

(Banker.vn) Giới kinh doanh vàng luôn mong chờ Ngày vía Thần Tài vì nhu cầu người tiêu mua vàng cầu may sẽ tăng cao, kéo theo đó, giá vàng cũng được đẩy lên cao hơn.
Văn khấn vía Thần Tài 2024 đầy đủ, chi tiết nhất Giá vàng giảm mạnh, có nên mua vàng "lướt sóng" chờ ngày vía Thần tài?

Ý nghĩa Ngày vía Thần Tài

Theo quan niệm phương Đông, Thần Tài là một trong những vị thần chuyên quản Tài, Phúc, Phú Quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn. Do đó, vía Thần Tài được xem là một ngày quan trọng trong năm đối với những người kinh doanh, buôn bán.

Tích xưa kể lại, Thần Tài là vị thần sống trên trời. Trong một lần xuống hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai. Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán. Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng chuyên bán gia cầm mời ăn. Từ đó, cửa hàng này đông nghịt khách hàng.

Sau đó, chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, trong khi đó lại hay dùng tay bốc ăn nên không cho ở nữa. Từ đó, cửa hàng làm ăn sa sút, vắng khách.

Vì sao giá vàng chênh lệch lớn trước Ngày vía Thần Tài?
Ngày vía Thần Tài là mùng 10 tháng Giêng Âm lịch

Thấy vậy, một số người làm kinh doanh đã mời Thần Tài ăn và mua quần áo mới cho mặc. Thần Tài tìm đến đúng cửa hàng đã tìm thấy và mua lại chính quần áo của mình lúc trước rồi đội mũ bay về trời vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.

Từ đó, dân gian xem 10/1 Âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Trong năm 2024, ngày vía Thần Tài rơi vào thứ Hai, tức ngày 19/2 Dương lịch.

Theo quan niệm dân gian, ngày vía Thần Tài rất quan trọng đối với những người làm kinh doanh. Ngoài việc sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài, nhiều người còn đi mua vàng trong ngày mùng 10/1 Âm lịch. Người kinh doanh tin rằng, hành động này sẽ giúp đem lại nhiều may mắn về tài lộc, công việc buôn bán thuận lợi trong suốt cả năm.

Giá vàng SJC bị đẩy cao trước ngày vía Thần Tài

Theo tìm hiểu, vào lúc 20h ngày 15/2 (tức ngày mồng 6 Tết Nguyên đán), giá vàng miếng SJC tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... dao động từ 76,4 - 76,5 triệu đồng/lượng giá mua vào và bán ra ở quanh mốc 78,8 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng.

Vì sao giá vàng chênh lệch lớn trước Ngày vía Thần Tài?
Giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao trước ngày vía Thần Tài (ảnh minh họa)

Giá vàng nhẫn SJC 99,99% tại TP. Hồ Chí Minh (1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ) có giá mua vào 63,2 triệu đồng và bán ra ở mốc 64,4 triệu đồng. Mức chênh lệch gần 1 triệu đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng nữ trang SJC 99,99% có giá mua vào 63 triệu đồng và giá bán ra 64 triệu đồng. Chênh lệch 1 triệu đồng.

Nhiều người cho rằng, mức tăng trên đến từ lý do chỉ vài ngày nữa là đến ngày vía Thần Tài (ngày 19/2). Giới kinh doanh vàng luôn mong chờ ngày vía Thần Tài vì nhu cầu người mua vàng cầu may sẽ tăng cao, kéo theo đó, giá vàng cũng được đẩy lên cao hơn so với thường ngày.

Tuy nhiên, trước sự tăng giá của giá vàng trong suốt thời gian qua, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị, người dân chỉ nên mua với số lượng ít để cầu may chứ không phải thời điểm lý tưởng để đầu cơ vàng.

Thời điểm cuối năm 2023, giá vàng liên tục “nhảy múa” thất thường. Ví như chỉ trong tháng 12/2023, giá vàng có thể biến động tăng 4-5 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Trước thực trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để bình ổn thị trường vàng, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý...

Sau chỉ đạo nóng của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp thị trường vàng. Kể từ đó, giá vàng trong nước liên tục biến động ở biên độ hẹp hơn.

Thế Hoàng

Theo: Báo Công Thương