Vì sao giá cà phê Việt Nam tăng ấn tượng?

(Banker.vn) Theo giải thích của chuyên gia, lý do đến từ nhu cầu tăng cao, sự thiếu hụt nguồn cung và những khó khăn về khâu vận chuyển tại Đông Nam Á.
Thị phần cà phê Việt Nam tại Bỉ tăng lên 20,08% Cà phê hữu cơ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản Giá cà phê hôm nay, 20/3/2024: Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng, vượt mốc 94.000 đồng/kg

Năm 2024 được dự báo là năm thành công với ngành cà phê Việt Nam, khi giá xuất khẩu cà phê bình quân của Việt Nam trong tháng 2 đạt 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với giá tháng 1 và tăng 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trong xuất khẩu mặt hàng cà phê chủ lực là Robusta, với giá trị gần 1,84 tỷ USD. Để lý giải cho sự thành công này, qua chia sẻ với tờ Perfect Daily Grind, ông Ryan Delany - nhà phân tích đầu tư hàng đầu tại công ty Coffee Trading Academy đã đưa ra 3 lý do chính:

Đầu tiên là do dự báo thời tiết nắng nóng tại các vùng trồng cà phê trọng điểm tại Việt Nam khiến nhiều nhà nhập khẩu lo lắng về khả năng nguồn cung cà phê Robusta cho vụ mùa mới thấp. Lường trước tình trạng khan hiếm, nhiều nhà đầu tư sẽ đặt mua lượng cà phê lớn hơn để làm tồn kho, điều này đẩy giá cà phê tăng mạnh.

Vì sao giá cà phê Việt Nam tăng ấn tượng?
Thu hoạch cà phê tại Buôn Ma Thuột, Vietnam. Nguồn ảnh: Maika Elan, Bloomberg

Lý do thứ hai đến từ sức giảm cạnh tranh từ Brazil, nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới. Tại đây, điều kiện khô hạn quá mức do biến đổi khí hậu tại các vùng trồng cà phê đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số vụ thu hoạch.

Cuối cùng là chi phí logistic. Cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ đang ảnh hưởng nặng nề đến các tuyến vận tải kết nối các nước Đông Nam Á (như Việt Nam và Indonesia) với các thị trường ở châu Âu. Điều này nghĩa là các nhà nhập khẩu buộc phải chấp nhận thời gian vận chuyển lâu hơn hoặc phải trả giá cao hơn để bù đắp phí bảo hiểm rủi ro ngày càng tăng.

Mặt khác, cà phê Arabica, vốn là đối thủ được đánh giá cao hơn so với cà phê Robusta, lại đang gặp rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo tờ Al Jazeera, Arabica không những chịu nhiệt kém hơn so với Robusta, mà còn dễ mang bệnh, côn trùng và nấm hơn. Thậm chí, nghiên cứu trên tạp chí khoa học Plos One đã chỉ ra rằng, đến năm 2050, 50% diện tích đất trồng cà phê Arabica sẽ không còn phù hợp để canh tác.

Ngược lại, những đổi mới trong canh tác và sản xuất cà phê khiến Robusta ngày càng trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn trong mắt những nhà đầu tư. “Chất lượng cà phê Robusta sẽ ngày càng tăng khi được áp dụng nhiều kỹ thuật vốn được dụng để sản xuất cà phê Arabica, bao gồm việc áp dụng các biện pháp thực hành hữu cơ, thu hoạch quả cà phê chín và nghiên cứu các phương pháp chế biến sau thu hoạch.” - Bà Sahra Nguyễn - giám đốc điều hành Nguyen Coffee, thương hiệu đầu tiên tại Mỹ chuyên nhập khẩu cà phê Việt Nam, chia sẻ với Perfect Daily Grind.

Ghi nhận tại thời điểm đầu giờ sáng ngày 20/3/2024, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, dao động từ 3.060 - 3.364 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 là 3.354 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 3.260 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 3.187 USD/tấn và kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 là 3.110 USD/tấn.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York sáng ngày 20/3/2024 sau nhiều phiên chìm trong sắc đỏ đã bắt đầu xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên mức tăng thấp, dưới 1%. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 là 183,05 cent/lb; kỳ giao hàng tháng 7/2024 là 181,80 cent/lb; kỳ giao hàng tháng 9/2024 là 181,45 cent/lb và kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 180,95 cent/lb.

Trong nước, giá cà phê trung bình ngày hôm nay 20/3/2024 là 94.100 đồng/kg, được đánh giá là duy trì ổn định và đang giữ ở mức cao. Trong đó, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 94.200 đồng/kg.

Phú Quý

Theo: Báo Công Thương