Vì sao gạo Việt Nam tiếp tục lên ngôi đầu bảng của thế giới?

(Banker.vn) Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt kỷ lục, vượt cả Thái Lan và Pakistan, nhờ sự gia tăng nhu cầu từ các đối tác truyền thống.
Xuất khẩu gạo sang Ukraine tăng gần 40 lần Philippines là nhà nhập khẩu hàng đầu gạo Việt Nam Giá xuất khẩu gạo tăng vọt, cơ hội đạt 5 tỷ USD trong năm nay

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo Việt Nam đang tăng ngược chiều so với các đối thủ Thái Lan và Pakistan. Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, và gạo Pakistan 34 USD/tấn.

Hiện, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất. Đây là một sự hồi phục đáng kể của gạo Việt, bởi chỉ một tháng trước, giá gạo xuất khẩu của nước ta thấp hơn so với gạo Thái Lan, Pakistan và Myanmar.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Cung gạo không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đẩy giá lên cao.

Một yếu tố quan trọng làm gia tăng giá gạo là chính sách giảm thuế nhập khẩu tại Philippines, từ 35% xuống 15%. Điều này đã kích thích các doanh nghiệp Philippines gia tăng nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, mùa vụ hè thu sắp kết thúc và vụ thu đông sắp tới, không phải là mùa thu hoạch chính, đã dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao chưa từng thấy tại nhiều thị trường quốc tế. Tại Brunei, giá gạo đạt tới 959 USD/tấn, trong khi ở Mỹ là 868 USD/tấn. Các thị trường khác như Hà Lan, Ukraine, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng kiến giá gạo Việt Nam đạt mức cao, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có giá gạo cao nhất trong số các nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Năm 2024 đang chứng kiến một cột mốc đáng chú ý trong ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, với giá gạo xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, và dự kiến năm nay sẽ lập kỷ lục mới về số lượng gạo xuất khẩu.

Vì sao gạo Việt Nam tiếp tục lên ngôi đầu bảng của thế giới?

Gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lên ngôi vị đầu bảng của thế giới. (Ảnh: baodautu)

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Philippines là thị trường lớn nhất, nhập khẩu gần 1,94 triệu tấn gạo Việt Nam với trị giá 1,21 tỷ USD, tăng 14,1% về lượng và 40,6% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu sang Philippines bình quân đạt 622,2 USD/tấn, tăng 23,2% so với năm 2023.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD. So với tháng trước, lượng gạo xuất khẩu tăng 46,3%, còn giá trị tăng 39,7%.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, với giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,3%, nhưng giá trị đã tăng mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo bình quân trong 7 tháng đầu năm đã đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia, khiến thị trường gạo có thể trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm.

Theo ghi nhận, hiện nay gạo Việt Nam đang được ưa chuộng tại các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia, Ghana nhờ vào thương hiệu uy tín và chất lượng hàng đầu. Đặc biệt, các giống gạo thơm ngắn ngày của Việt Nam, sản xuất 2-3 vụ mỗi năm với năng suất cao, tiếp tục làm tăng giá trị gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự đoán rằng xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, đạt mức kỷ lục mới của ngành.

Ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật (TP. Cần Thơ), chia sẻ: "Các quốc gia như Philippines, Indonesia và một số quốc gia khác có nhu cầu nhập khẩu gạo ổn định ở mức cao cho tiêu dùng nội địa. Hằng năm, riêng hai quốc gia này có thể nhập khẩu từ 4 đến 5 triệu tấn gạo. Hầu hết nguồn cung của họ đến từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tôi tin rằng nhu cầu này sẽ duy trì ổn định trong thời gian dài".

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ hội để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu gạo càng lớn khi chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% của Philippines đã có hiệu lực từ tháng 8.

Còn ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gạo hạt Lộc Trời cho biết, một trong những yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng giá gạo là chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được công nhận trên toàn cầu. “Chúng tôi luôn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường. Các giống gạo của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, giá gạo Việt Nam có thể cao hơn nhưng vẫn được thị trường đón nhận”.

Yến Thư

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục