Vì sao EVN đề xuất nhập điện gió từ Lào?

(Banker.vn) Không chỉ giá nhập khẩu rẻ hơn điện gió trong nước, quan trọng hơn điện gió từ Lào về Việt Nam phục vụ cho nhu cầu miền Bắc với đường dây truyền tải sẵn có.
Cần sớm có cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi và điện khí Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất nhập điện gió từ Lào

Ngay sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề xuất nhập khẩu điện gió từ Lào về Việt Nam, trên các diễn đàn đã có nhiều ý kiến trái chiều như tại sao phải nhập khẩu điện gió từ Lào trong khi không huy động tại Việt Nam? Giá điện gió nhập khẩu từ Lào cao hơn...như vậy là không ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo trong nước...Để thông tin rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin lý giải như sau:

Giá nhập điện gió thấp hơn giá mua trong nước

Trước đó, EVN đã có tờ trình số 7486/EVN-KH+TTĐ gửi Bộ Công Thương về chủ trương nhập khẩu các dự án điện gió từ nước CHDCND Lào về khu vực tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

Theo đó, giá điện được chủ đầu tư cam kết với mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 cents/kWh (tương đương 1.700 đồng/kWh).

Việc nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2025, theo EVN, sẽ góp phần bổ sung nguồn điện để tăng cường khả năng đảm bảo cung ứng điện, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc. Và theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, phương án đấu nối về TBA 220kV Đô Lương sẽ đáp ứng giải tỏa công suất từ dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn.

So sánh giá trần điện gió nhập khẩu từ Lào và các nguồn khác, EVN cho rằng các nguồn điện gió nhập khẩu từ Lào có giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nguồn điện gió trong nước được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 khi EVN mua điện với giá 9,8 cent/kWh (hơn 2.380 đồng/kWh). Nên nhớ giá FIT này kéo dài 20 năm.

Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh là chủ đầu tư nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị. Ảnh: Amaccao.vn
Điện gió nhập khẩu từ Lào về Việt Nam có giá thành cạnh tranh hơn điện gió trong nước.
(Ảnh minh họa)

Nếu so với nguồn điện gió chuyển tiếp được huy động vừa qua với giá 1.587 đồng/kWh, mức giá nhập khẩu điện từ Lào cao hơn, nhưng khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam sẽ giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu cũng như không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước đối với địa điểm dự án. Như vậy sẽ lợi hơn đối với Việt Nam.

Sự hợp tác theo cam kết

Liên quan đến vấn đề trên, nội dung tờ trình của EVN nêu rõ, định hướng nhập khẩu điện theo Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký ngày 5/10/2016 với qui mô công suất nhập khẩu tối thiểu đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW.

Theo Quy hoạch điện VIII thì định hướng nhập khẩu điện Lào: “Năm 2030, nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, sản xuất 18,8 tỷ kWh; có thể tăng lên 8.000 MW. Đến năm 2050, nhập khẩu khoảng 11.000 MW, sản xuất 37 tỷ kWh trên cơ sở cân đối với xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tối ưu tổng thể”.

Vì sao EVN đề xuất nhập điện gió từ Lào?
Đường dây 220kV Tương Dương-Nậm Mô được đầu tư xây dựng hoàn thành vào đầu năm 2023 phục vụ cho công tác mua điện từ Lào về Việt Nam cung cấp điện cho khu vực miền Bắc
(Ảnh: Thu Hường)

Việc nhập khẩu điện gió từ Lào, theo EVN, là thực hiện đúng định hướng nhập khẩu điện được ký kết tại biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Lào. Quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW.

Tuy nhiên, tổng công suất nguồn điện tại Lào đã được phê duyệt chủ trương nhập khẩu có thể đưa vào vận hành đến năm 2025 khoảng 1.977MW.

Theo một số chuyên gia năng lượng, bên cạnh việc thực thi cam kết giữa hai chính phủ, thì việc giá điện nhập khẩu từ Lào cạnh tranh hơn nguồn điện gió sản xuất trong nước cũng là điều bình thường trong bối cảnh EVN đang bị lỗ. Mặt khác, xét về yếu tố thị trường điện canh tranh thì điều này là hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu điện gió từ Lào là nhằm phục vụ cho khu vực miền Bắc đang có nguy cơ thiếu điện, đồng thời hệ thống hạ tầng đường dây truyền tải từ Lào về Quảng Trị, Tương Dương, Đô Lương (Nghệ An) của Việt Nam đã được hoàn thiện, điều này cũng giúp đảm bảo cân đối tài chính của EVN cũng như đảm bảo vận hành hệ thống lưới điện an toàn, hiệu quả và tối ưu.

Vì sao EVN đề xuất nhập điện gió từ Lào?
TBA 220kV Tương Dương được hoàn thành đi vào hoạt động từ giữa năm 2022 và kết nối với tuyến đường dây 220kV Tương Dương - Nậm Mô và 220kV Đô Lương (Ảnh: Thu Hường)

Trước đó, liên quan đến các dự án điện gió ở Việt Nam chưa được huy động, đại diện EVN khẳng định: Các dự án điện gió ở Việt Nam vẫn sẵn sàng được huy động phát điện nếu dự án đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.

Ngoài ra, hiện tất cả các dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước đều chỉ tập trung tại miền Trung và Miền Nam, chưa có dự án điện gió nào được đầu tư tại miền Bắc trong khi nhu cầu cấp tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết. Dự án mua điện gió từ Lào có mục tiêu tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc thông qua kết nối từ Lào qua tuyến đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (Nghệ An - Việt Nam) - 220kV Đô Lương (Nghệ An).

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương