Vì sao đạt 9,7 điểm/môn thí sinh vẫn trượt đại học?

(Banker.vn) Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh đạt 9,7 điểm/môn vẫn trượt đại học là quy tắc của sự lựa chọn.
Các trường đại học ở Cần Thơ chính thức công bố điểm chuẩn năm 2024 Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố điểm chuẩn năm 2024 Điểm chuẩn Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp năm 2024

Quy tắc của sự lựa chọn

Ngày 19/8, gần 200 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển 2024. Một số ngành khối C đã gây “choáng váng” khi lấy điểm gần tuyệt đối như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 2 ngành điểm chuẩn lên tới 29,3, tức bình quân mỗi môn thí sinh đạt hơn 9,7 điểm vẫn có thể trượt. Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, năm nay, điểm chuẩn các ngành học của trường đều tăng so với năm ngoái. Đặc biệt, có 3 ngành học điểm chuẩn trên 29, gồm: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử; Sư phạm Địa lý. Trong đó, 2 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đạt mức 29,3; cao hơn mức điểm chuẩn cao nhất của năm ngoái 0,88 điểm (ngành Sư phạm Lịch sử năm 2023 lấy 28,42 điểm). Với những ngành học này, tính bình quân, mỗi môn đạt 9,7 điểm, thí sinh vẫn trượt, nếu không có điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.

“Nếu so sánh điểm chuẩn các năm với nhau, như vậy có vẻ là cao quá. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận việc tuyển sinh đại học mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, khi có nhiều người đạt điểm thuộc Top trên, những người Top dưới đương nhiên bị mất cơ hội. Đó là quy tắc của việc lựa chọn” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn khẳng định.

Vì sao đạt 9,7 điểm/môn thí sinh vẫn trượt đại học?
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 2 ngành điểm chuẩn lên tới 29,3

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đứng từ phía phụ huynh, việc băn khoăn khi con thi hơn 9,7 điểm/môn vẫn trượt là điều dễ hiểu. “Những thí sinh có mức điểm cao như vậy, trong trường hợp không trúng tuyển ngành/nguyện vọng có tính cạnh tranh cao nhất cũng sẽ trúng tuyển những ngành khác thấp hơn, bởi giờ đây các em được đăng ký rất nhiều nguyện vọng. Tôi cho rằng, đây là việc rất bình thường trong cuộc sống. Bởi không phải lúc nào cũng chỉ có một mình mình giỏi mà xung quanh chúng ta có thể có những người khác giỏi hơn và phải chấp nhận chuyện đó” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, nhìn chung, điểm chuẩn vào các ngành khối các trường sư phạm năm nay đều tăng. Lý giải về việc tăng này, ông Sơn cho hay, có nhiều lý do. Một trong số đó là do những chính sách của Nhà nước về việc cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học sư phạm. “Việc này thu hút số lượng sinh viên vào ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Như vậy, khi chỉ tiêu có hạn, số lượng đăng ký vào tăng nhiều sẽ chỉ những thí sinh có điểm Top trên mới có thể vào. Tôi cho rằng, đó cũng là một dấu hiệu tích cực” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nêu ý kiến.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, nhà trường còn có những điểm riêng khác. Đó là đã có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào theo diện tuyển thẳng. “Những trường hợp này đương nhiên được tuyển thẳng vào trường. Việc này làm cho việc cạnh tranh cho những chỉ tiêu còn lại trở nên khó khăn hơn” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.

Về chỉ tiêu các ngành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay hầu hết giảm so năm ngoái, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết, hiện nay, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường sư phạm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ và giao. “Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu như thế nào phụ thuộc vào các địa phương đặt hàng. Tức trên cơ sở đặt hàng của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới giao về các trường sư phạm” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn bày tỏ.

Vì sao đạt 9,7 điểm/môn thí sinh vẫn trượt đại học?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, không hẳn cứ thấy thiếu giáo viên là phải đào tạo ngay

Phân tích, đánh giá kỹ để đảm bảo công bằng học sinh

Chia sẻ về những băn khoăn liên quan đến điểm chuẩn tăng cao đến mức bất thường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, hiện nay, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng; thông tin xét tuyển của các trường ngày càng minh bạch, rõ ràng; việc xét tuyển được thực hiện công bằng, thuận lợi, cho nên, những trường có chất lượng đào tạo tốt, những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực cao sẽ thu hút nhiều thí sinh.

“Trên bình diện cả nước, hoặc một khu vực nào đó, có những ngành chỉ tiêu không nhiều, nhưng tập trung lượng lớn thí sinh thì có thể đẩy điểm chuẩn lên cao” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lý giải.

Về việc điểm chuẩn khối C tăng cao, “nóng” dư luận, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có đánh giá ngay từ đầu. So với năm 2023, phổ điểm năm 2024 có nhích lên, điều này đã được dự báo trước. Việc điểm chuẩn khối C có vẻ tăng mạnh hơn cũng cho thấy sự cạnh tranh ở các ngành, trường có uy tín chất lượng ngày càng rõ hơn. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự phân tích kỹ để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.

“Bình thường, nếu các phương thức bảo đảm công bằng thì không vấn đề gì. Từng đấy thí sinh không trúng tuyển phương thức này, thì trúng tuyển phương thức khác. Chỉ sợ không đảm bảo công bằng thì có thể với một số phương thức, thí sinh được tuyển với mức điểm xét tuyển nào đó dễ dàng hơn. Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải phân tích rất kỹ, tùy ngành tùy trường” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay tăng cao, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi điểm chuẩn tăng thì chất lượng đầu vào cũng tăng.

Còn về việc nhiều địa phương thiếu giáo viên, nhưng các trường giảm chỉ tiêu sư phạm, Thứ trưởng cho rằng, phải nhìn trên cả tổng thể. “Ở đây là thiếu chỉ tiêu tuyển dụng còn đào tạo phải có tích lũy. Không hẳn cứ thấy thiếu là phải đào tạo ngay. Chẳng hạn, những năm trước, đào tạo 40.000 - 50.000 chỉ tiêu nhưng hiện vẫn chưa tuyển dụng hết” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục