Vì sao đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nhưng chưa có mã QR?

(Banker.vn) Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia https://tiemchungcovid19.gov.vn ngày 12/9 vừa cập nhật thêm 1.110.901 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm trong ngày hôm qua. Như vậy, đến hôm nay, Việt Nam đã tiêm 28.295.619 triệu liều vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, không ít người lo lắng vì đã tiêm mũi 1, thậm chí đủ 2 mũi từ lâu nhưng không được cập nhật.

Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19. Về nguyên tắc, khi triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, các đơn vị thực hiện tiêm chủng sẽ chủ động cập nhật thông tin của người dân được tiêm tại đơn vị lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn và sau khi tiêm, người dân sẽ có kết quả tiêm ngay trên Sổ sức khỏe điện tử.

Cập nhật đến thời điểm hiện tại, cả nước đã tiêm chủng 28.295.619 triệu liều vắc xin. Trong đó, 10 tỉnh có tỷ lệ sử dụng vắc xin cao nhất so với số vắc xin được cấp là: Đồng Tháp, Bình Phước, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bến Tre, Cao Bằng, Kon Tum; 10 tỉnh có tiến độ sử dụng vắc xin thấp nhất gồm: Hải Phòng, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Tây Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Lý do của sự chậm trễ này có thể do địa phương chưa nhận đủ vắc xin theo quyết định hoặc do quá trình cập nhật dữ liệu tiêm chủng của địa phương lên Cổng thông tin tiêm chủng chưa được thực hiện kịp thời.Lý giải tình trạng đã tiêm đủ 2 mũi nhưng không có mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử trong mục Chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho hay, thời gian qua, hệ thống mới vận hành, chưa phải tất cả các đơn vị tiêm chủng đã cập nhật trên phần mềm, dẫn đến dữ liệu bị cập nhật chậm lên hệ thống. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước ngày 20/9/2021.

Việc xác nhận có mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử rất quan trọng, bởi sắp tới nhiều tỉnh thành sẽ áp dụng "thẻ xanh", "thẻ vàng" với người đã tiêm vắc xin như một loại "giấy thông hành" khi tham gia giao thông và trở lại làm việc, học tập...

Theo Cục Công nghệ thông tin, những người có sai lệch thông tin cần liên hệ Sở Y tế địa phương. Những sai lệch hiện nay không phải do phần mềm, mà do nhầm khi nhập thông tin giữa danh sách đăng ký tiêm và danh sách đã tiêm, hoặc do khâu nhập dữ liệu đã tiêm của cơ sở tiêm chủng bị chậm.

Cũng trong ngày hôm nay (12/9), Bộ Y tế đã tiếp nhận thêm 200.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca, nguồn từ Chính phủ Bỉ và Chính phủ Slovakia trao tặng. Đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận khoảng 35 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau, tỷ lệ sử dụng vắc xin đạt hơn 83%, trong đó nhiều nhất là AstraZeneca. Đây là vaccine đầu tiên được Việt Nam phê duyệt sử dụng và tiêm chủng.

Việt Nam hiện có 7 loại vắc xin đã được cấp phép sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất) , Sputnik V (Viện nghiên cứu Gamaleya), Covid-19 Vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (Covid-19 Vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm) và vaccine Hayat- Vax.

Thanh Tâm

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục