Vì sao cổ phiếu DNM của Danameco bị duy trì diện cảnh báo?

(Banker.vn) Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa có quyết định duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu DNM của Tổng công ty CP Y tế Danameco.

Quyết định này vừa được ông Đỗ Văn Tâm, Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ký ban hành vào cuối tháng 4/2023.

Theo đó, cổ phiếu DNM của Danameco tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo với hai lý do: Doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; và chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét so với thời hạn quy định.

Việc nộp các báo cáo như trên đã được quy định tại Điểm g, khoản 1, Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Danameco phải gửi về Sở này cũng như công bố thông tin kèm biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Định kỳ hàng quý (tính theo năm dương lịch), Danameco được yêu cầu phải giải trình, báo cáo việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và công bố thông tin.

Quý I/2023, doanh thu và lợi nhuận Danameco sụt giảm mạnh so với cùng kỳ
Quý I/2023, doanh thu và lợi nhuận Danameco sụt giảm mạnh so với cùng kỳ

Theo nguồn tin của Kinhtechungkhoan.vn, ngày 20/4/2022, Tổng công ty CP Y tế Danameco mới công bố thông tin về việc ký hợp đồng kiểm toán với đối tác để kiểm toán báo cáo tài chính năm kết thúc vào ngày 31/12/2022.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu quý I/2023 của Danameco ghi nhận ở mức 50,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tụt xuống mức âm 23,7 tỷ đồng, trong khi chỉ số này trong cùng kỳ là 15,2 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của DNM giảm đến 256% so với cùng kỳ 2022.

Lý giải cho sự sụt giảm chóng mặt cả doanh thu và lợi nhuận trong quý I/2023, Danameco cho biết doanh thu trong kỳ giảm mạnh do dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu từ các mặt hàng chống dịch giảm mạnh.

Ngoài ra, công ty đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị để sản xuất các mặt hàng chống dịch, hiện nay nhu cầu về các mặt hàng này không còn nhưng công ty vẫn đang phải trích chi phí khấu hao máy óc đã đầu tư, dẫn đến giá thành tăng cao.

Quy mô tài sản DNM hiện ở mức 421,8 tỷ đồng, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm hơn 233 tỷ đồng, phản ánh chất lượng tài sản của DNM hiện khá xấu. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện ở mức 347 tỷ đồng, gấp hơn 4,6 lần vốn chủ sở hữu. Các khoản nợ chủ yếu tập trung trong ngắn hạn, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 103 tỷ đồng.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục