Vì sao các nhà cung cấp dịch vụ đám mây chưa vội gia nhập thị trường Việt Nam?

(Banker.vn) Nhu cầu về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trong tương lai rất lớn song các nhà cung cấp dịch vụ đám mây vẫn đang tiếp cận Việt Nam một cách thận trọng.
5 lĩnh vực cần đo lường để phát triển trung tâm dữ liệu bền vững Hỗn loạn dịch vụ đám mây làm chậm sự phát triển của châu Á - Thái Bình Dương

Cung ít hơn cầu

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, theo đó các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ yêu cầu nội địa hóa dữ liệu, đã khiến nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên toàn quốc được dự báo sẽ tăng vọt.

Cụ thể, Điều 26 và 27 Nghị định yêu cầu các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trụ sở tại Việt Nam, không phân biệt công ty sở hữu nước ngoài hay không, phải lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam, dữ liệu do người dùng tạo ra, và dữ liệu về mối quan hệ của người dùng tại Việt Nam bao gồm mạng xã hội, thương mại điện tử và trò chơi điện tử, trong thời gian tối thiểu là 24 tháng.

Vì sao các nhà cung cấp dịch vụ đám mây chưa vội gia nhập thị trường Việt Nam?
Nhu cầu về trung tâm dữ liệu ngày càng lớn

Có thể thấy 27 trung tâm dữ liệu đang hoạt động trên toàn quốc hiển nhiên sẽ không đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu và thực tế phát sinh trong quá trình triển khai, chấp hành Nghị định 53. Mặt khác, đây sẽ là nhân tố thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm, khai thác tiềm năng của lĩnh vực này trong thời gian sắp tới.

Liên quan đến vấn đề này tại tọa đàm “Bất động sản Việt Nam năm 2023”, do công ty Knight Frank và Phòng Thương mại Australia đồng tổ chức gần đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Fred Fitzalan Howard, Trưởng bộ phận Trung tâm Dữ liệu của Knight Frank Châu Á-Thái Bình Dương đã có những chia sẻ cụ thể.

Ông Fred Fitzalan Howard cho biết, với dân số khoảng 100 triệu người, kèm theo đó là các yêu cầu về dịch vụ kỹ thuật số cũng như lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra hàng ngày hàng giờ, nhu cầu về trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn. Ngoài ra, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy điều này - cụ thể, một câu lệnh ChatGPT có thể tạo ra lượng dữ liệu nhiều gấp 8 lần một lệnh tìm kiếm tương tự trên Google.

Vì sao các nhà cung cấp dịch vụ đám mây chưa vội gia nhập thị trường Việt Nam?
Ông Fred Fitzalan Howard, Trưởng bộ phận Trung tâm Dữ liệu của Knight Frank Châu Á-Thái Bình Dương

Nhà đầu tư vẫn đang tiếp cận thận trọng

Cũng theo ông Fred Fitzalan Howard, gã khổng lồ bán lẻ Amazon đã đến Việt Nam trong tháng 3 năm nay và bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng các trạm cơ sở dữ liệu lớn trong nước. Dù vậy, trên thực tế vẫn còn một số nghi ngại về khả năng cho thuê trong lĩnh vực này. Bởi lẽ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây vẫn đang tiếp cận Việt Nam một cách thận trọng, chưa vội vàng gia nhập thị trường do còn muốn đảm bảo rằng các trung tâm dữ liệu có đủ năng lực và sức chứa sẽ được xây dựng.

Trên thực tế, theo nhận định của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện đang tụt hậu trước nhu cầu phát sinh từ công cuộc chuyển đổi số, với chỉ 27 trung tâm dữ liệu hiện đang được khai thác trên toàn quốc. Đồng thời, các nhà phân tích cũng dự đoán rằng nền kinh tế dữ liệu của Việt Nam sẽ có tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức gần 9% cho đến năm 2029 và đạt giá trị hơn một tỉ USD, tăng đáng kể so với mức 561 triệu USD được ghi nhận vào năm 2022 .

“Những thị trường thứ cấp như Việt Nam đem lại lợi thế vô cùng lớn cho những nhà đầu tư nhanh chân vượt rào cản để xâm nhập thị trường. Điều này có nghĩa là những chủ đầu tư trung tâm dữ liệu đi tiên phong khai phá thị trường và có thể bàn giao dự án đáp ứng nhu cầu của các siêu công ty, siêu tập đoàn - vốn chiếm đến 85% lượng dữ liệu toàn cầu - sẽ trở thành đối tượng được ưu ái cho những dự án trong tương lai. Ngoài ra, những chủ đầu tư nhanh chân cũng sẽ sớm trở thành mục tiêu cho các thương vụ mua bán & sáp nhập có lãi trong những năm tới”- ông Fred Fitzalan Howard nói.

Tuy vậy, ông Fred Fitzalan Howard cũng lưu ý rằng cơ sở hạ tầng và nguồn điện ổn định vẫn là những rào cản lớn. Theo đó, trung tâm dữ liệu luôn cần điện năng cung cấp 24/7.

“Mạng lưới điện hiện nay vốn không được thiết kế để phục vụ trung tâm dữ liệu. Ví dụ, một trung tâm dữ liệu ở London tiêu thụ điện năng gấp 5 lần Sân bay Heathrow,” ông Fitzalan Howard nêu rõ và cho rằng sớm muộn gì chủ đầu tư cũng phải tìm kiếm một trạm phát điện gần khu vực khai thác trung tâm dữ liệu. Điều này có nghĩa là mặt bằng, quyền sử dụng đất và các thủ tục, quy trình pháp lý liên quan sẽ phải được thống nhất, sẵn sàng để nền kinh tế dữ liệu có thể phát triển.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương