Vi phạm trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp diễn ra nghiêm trọng

(Banker.vn) Theo đại biểu Quốc hội, thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp diễn ra rất nghiêm trọng.
Đại biểu Quốc hội "truy" đấu giá quyền khai thác khoáng sản Lo ngại 'thuế chồng thuế' với quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản Đề nghị phân định rõ ràng các loại khoáng sản theo công dụng, tránh tạo kẽ hở pháp luật

Quy định rõ trách nhiệm phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản tại hội trường Quốc hội chiều 28/6, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - đoàn An Giang thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Khoáng sản sau hơn 13 năm triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Việc ban hành Luật Địa chất và khoáng sản sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn qua hoạt động khai thác địa chất, khoáng sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế.

Góp ý về trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, tại khoản 2 Điều 9 dự thảo luật quy định về trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, chẳng hạn như trách nhiệm trong việc tham gia giám sát hoạt động khoáng sản, trách nhiệm trong việc phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm nếu phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản...

Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cộng đồng tại khu vực trong việc tổ chức lấy ý kiến và cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm trong xử lý, giải quyết các ý kiến của người dân. Đây là những vấn đề rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan trong việc lấy ý kiến và giải quyết các ý kiến của người dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, nhất là tại những nơi bị ảnh hưởng bởi việc khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản, đặc biệt là trong việc đảm bảo sản xuất, đời sống của những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

Về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản, đại biểu đoàn An Giang nêu, tại khoản 2 Điều 62 dự thảo luật quy định khá chi tiết, cụ thể về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo việc hỗ trợ cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khai thác khoáng sản có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có không ít trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sinh kế của người dân, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định các chính sách hỗ trợ về mặt sức khỏe cho người dân ở khu vực khoáng sản được khai thác, đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về cơ chế hỗ trợ, xác định các lĩnh vực ưu tiên dựa trên nguồn lực và nhu cầu, giao cho Chính phủ quy định chi tiết định mức cụ thể, hỗ trợ cho người dân cả trong những tình huống bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cân nhắc không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác

Cũng theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, trong hoạt động khai thác khoáng sản, vấn đề an toàn vệ sinh lao động vô cùng quan trọng và rất cần được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, quy định tại Điều 50, Điều 62, Điều 73, Điều 92 về nghĩa vụ của các tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với các cá nhân tham gia các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Về quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản, đại biểu cho rằng, tại khoản 1 Điều 76 quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thuộc nhóm 4 là các loại khoáng sản làm vật liệu san lấp không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản và chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản.

Việc bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được cơ quan soạn thảo giải trình là nhằm đơn giản hóa về trình tự, thủ tục hành chính so với quy định hiện hành. Đại biểu cho rằng, điều này chưa phù hợp.

"Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp diễn ra rất nghiêm trọng, bên cạnh vi phạm hành chính thậm chí có trường hợp còn bị xử lý về hình sự, hậu quả không chỉ tàn phá môi trường sống, đe dọa an toàn các công trình đê điều, thủy lợi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, dẫn đến thiếu hụt các nguồn cung nguyên vật liệu thi công các dự án, công trình trọng điểm về an ninh, quốc phòng, giao thông, công trình dân sinh..." - đại biểu nói.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hết sức cân nhắc không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác, nhất là đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm không đáng có, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản khi luật có hiệu lực.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương