Thêm 47 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp phép Vi phạm về kiểm dịch thực vật, nông sản Việt sẽ đối diện với nguy cơ mất thị trường Trung Quốc |
Ngày 24/8/2023, tại Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”.
Việt Nam có 246 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp chính ngạch |
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp.
Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng... Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand và Australia là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tuy nhiên, gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc). Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…
Trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt.
Vì vậy, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong công tác phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong thời gian qua, chúng ta vẫn nhận được những thông báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và không được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu đang cảnh báo chúng ta về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam; thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.
“Con số gần 7.000 vùng trồng và gần 2.000 cơ sở đóng gói như một điểm nhấn về những kết quả đã đạt được; các vùng trồng và cơ sở đóng gói này đều đã được các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm”, ông Hoàng Trung cho biết thêm.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, ông Hoàng Trung cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.
Tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.
Chủ trì hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý mã số xuất khẩu để kết nối với địa phương, các vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trước mắt sẽ ưu tiên thực hiện đối với các sản phẩm đã có ký kết nghị định thư hoặc thống nhất yêu cầu về xuất khẩu.
Các địa phương câng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với các hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là trong vùng được cấp mã số. Tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Các cơ sở đóng gói phải bố trí nhân sự để thực hiện kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với các biện pháp kỹ thuật áp dụng và bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Tất cả các lô hàng trước khi xuất kho phải đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại. Đối với các vùng trồng, ông Hoàng Trung yêu cầu bám sát yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, duy trì thường xuyên việc ghi chép hồ sơ giấy tờ và phòng trừ sinh vật gây hại để đảm bảo mức độ nhiễm thấp.
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|