VHM, VIC cùng cổ phiếu ngân hàng góp công lớn giúp VN-Index giữ đà tăng tuần qua

(Banker.vn) Với sự tích cực từ cổ phiếu “họ Vingroup” cùng nhiều mã ngân hàng, VN-Index giữ được đà tăng tốt tuần qua với việc áp sát mốc 1.070 điểm...

Sau một tuần phục hồi tích cực, hai chỉ số thị trường trong tuần 15-19/05/2022 đã có màn thể hiện trái ngược nhau. Trong khi VN-Index suýt soát giữ được đà tăng khi tăng 0,02% so với cuối tuần trước, lên mức 1.067,07 điểm; HNX-Index lại quay đầu giảm 0,55%, kết thúc tuần 213,91 điểm.

Tương tự, thanh khoản trên cả 2 sàn cũng có diễn biến trái ngược nhau. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 752 triệu cp/phiên, tăng 11,6%. Thanh khoản bình quân trên sàn HNX lại giảm hơn 4%, xuống gần 111 triệu cp/phiên.

Góp phần lớn vào đà tăng của VN-Index trong tuần qua tới từ nhóm cổ phiếu “họ Vingroup” khi VHM và VIC kéo tăng gần 4,2 điểm cho chỉ số. Trong đó, VHM là cổ phiếu kéo tăng chỉ số mạnh nhất khi mang về hơn 3,2 điểm.

VHM, VIC cùng cổ phiếu ngân hàng góp công lớn giúp VN-Index giữ đà tăng tuần qua

Đối với VIC, thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc Công ty đã tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 trong ngày 17/05. Tại đây, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện lĩnh vực xe của VinFast.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu “họ Vingroup”, các cổ phiếu đầu ngành như GAS của nhóm dầu khí; FPT của nhóm bán lẻ; VJC của nhóm hàng không cũng có những ảnh hưởng tích cực lên chỉ số trong tuần qua. Tính chung 3 cổ phiếu kể trên đã kéo tăng chỉ số hơn 2 điểm

Cổ phiếu FPT thể hiện tích cực giữa bối cảnh HĐQT Công ty vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ từ hơn 10,970 tỷ đồng lên hơn 11.043 tỷ đồng. Song song đó, Công ty dự tính chi hơn 1.100 tỷ đồng và phát hành mới 166 triệu cổ phiếu trả cổ tức còn lại năm 2022 cho cổ đông.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ảnh hưởng của nhóm này có sự phân hóa khi các cổ phiếu của nhóm đều nằm ở vị trí cao tại cả bên tăng lẫn bên giảm.

Cụ thể, nhóm kéo tăng ghi nhận sự góp mặt của 5 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, gồm VCB, STB, VIB, TCB và OCB. Tổng cộng, 5 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng hơn 3,2 điểm. Riêng, VCB kéo tăng hơn 1,7 điểm, là cổ phiếu tích cực thứ 2 chỉ sau VHM.

Trong khi đó, 4 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng xuất hiện trong top 10 cổ phiếu tiêu cực nhất tuần, gồm BID, VPB, SSB và CTG. Số cổ phiếu này đã kéo giảm của chỉ số gần 2,5 điểm.

Tuy nhiên, cổ phiếu kéo giảm mạnh nhất không thuộc nhóm ngân hàng, mà chính là HPG dù cổ phiếu này cũng chỉ làm mất của chỉ số gần 0,8 điểm.

Ở rổ VN30, sự cân bằng lại trở lại với 2 nhóm kéo tăng và kéo giảm. Trong khi nhóm kéo giảm ghi nhận sự gia nhập của 16 cổ phiếu thì nhóm kéo tăng cũng có đến 14 cổ phiếu. Dẫn đầu nhóm kéo giảm là VPB với gần 2,2 điểm, còn phía ngược lại, VHM áp đảo nhóm kéo tăng với hơn 3,4 điểm.

Đối với HNX-Index, nguyên nhân khiến chỉ số quay đầu giảm chủ yếu đến từ hai cổ phiếu CEO và IDC khi cùng kéo giảm 0,3 điểm mỗi mã. Còn ở phía nhóm chống đỡ, PVS là cổ phiếu dẫn đầu nhóm này mang về hơn 0,8 điểm.

Trong bối cảnh thị trường lình xình, giao dịch khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi trở lại giải ngân mua cổ phiếu Việt. Tổng cộng 5 phiên, khối ngoại đã trở lại mua ròng 786 tỷ đồng . Tuy nhiên, thực tế thì nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng 404 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi tập trung mua ròng đột biến 1.190 tỷ đồng thoả thuận.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu STG với gần 1.285 tỷ đồng, cổ phiếu thép HPG cũng tiếp tục được mua ròng khoảng 397 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom ròng các cổ phiếu VRE và VIC với giá trị đều trên 100 tỷ đồng.

Ngược lại, cổ phiếu VNM và CTG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần này, giá trị đều trên 250 tỷ đồng. Theo sau, loạt mã ngân hàng khác như STB, SHB, VPB cũng đều bị bán ròng sau 5 phiên giao dịch.

Theo CTCK Vietcombank (VCBS), về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tuần qua tạo nến có dạng hammer trong xu hướng tăng giá, phần nào đã phản ánh sự hụt hơi của chỉ số trong ngắn hạn. Điều này cũng được thể hiện rõ hơn trên khung đồ thị ngày khi mà VN-Index vẫn đang dao động tích lũy trong vùng mây ichimoku.

Các chỉ báo MACD và RSI trên khung ngày hiện chưa cho tín hiệu đảo chiều, cho thấy VN-Index nhiều khả năng là đang tái tích lũy ngắn hạn sau một số phiên tăng điểm và diễn biến này cũng không có gì bất ngờ đặt trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường không quá dồi dào.

VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những phiên tăng giảm đan xen trong xu hướng đi lên zigzag một cách chậm rãi. Do đó, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường tương ứng với giai đoạn VN-Index giao dịch quanh vùng điểm 1.070 điểm và tạm thời hạn chế gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trước khi xuất hiện phiên bùng nổ theo đà.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định đưa Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vào tình trạng kiểm ...

Nhận định chứng khoán ngày 22/5/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 22/5/2023. Tạp ...

Kỳ vọng khối ngoại trở lại mạnh mẽ

Tuần qua đánh dấu việc khối ngoại đã trở lại mua ròng sau nhiều tuần giao dịch ảm đạm, phản ánh dự báo đúng của ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán