Lộ rõ thách thức với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2024 Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 xuống 6% |
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh thế giới bất định” dưới sự bảo trợ truyền thông của Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh thế giới bất định |
Tại cuộc Đối thoại, VEPR đã trình bày về nội dung báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 với chủ đề “Giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi”. Về tình hình kinh tế thế giới quý I và 4 tháng đầu năm 2024, phân tích của báo cáo cho thấy, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại so với năm 2023.
Báo cáo cũng điểm lại những yếu tố tác động chính đến thương mại, đầu tư toàn cầu, áp lực lạm phát và giảm triển vọng sớm hạ lãi suất của Ngân hàng trung ương các nước.
Trong đó, 3 yếu tố làm giảm đà phục hồi của thương mại toàn cầu năm 2024 được VEPR nêu ra là: Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng thuế quan và hạn chế thương mại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và đầu tư toàn cầu.
Thứ hai, chi phí logisitcs tăng cao do sự gián đoạn các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ, Biển Đen, Kênh Pana, Kênh đào Suez.
Thứ ba, chính sách gia tăng bảo hộ, tăng trợ cấp và biện pháp hạn chế thương mại và các chiến lược tăng trưởng hướng vào xuất khẩu nhường chỗ cho các chiến lược tăng trưởng do nhu cầu nội địa thúc đẩy.
Về kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm, báo cáo của VEPR tập trung đánh giá một số điểm nổi bật, nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng đầu năm khá tích cực, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đầu năm, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tiếp nối đà tăng trưởng năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu trong 5 năm qua. Từ những số liệu trên có thể thấy, thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế 4 tháng đầu năm, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024” - Báo cáo của VEPR nêu rõ.
Công nghiệp xây dựng cũng có nhiều dấu hiệu cải thiện, khi tăng trưởng 6,28%, đóng góp 41,68% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế trong quý I/2024.
Biểu đồ xuất nhập khẩu giai đoạn 2020-2024 |
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, báo cáo của VEPR cũng chỉ rõ những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam năm 2024 chưa thực sự bền vững. Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quý IV/2023, thì lại trên đà giảm.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cap gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng nhỏ lại.
Trước đó, báo cáo tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số: Trong tổng số 86.365 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm có tới 60.872 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng năm có quy mô nhỏ, dưới 10 tỷ đồng với 54.511 doanh nghiệp, chiếm 89,6%, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp, GS, TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Nền kinh tế tăng trưởng được hay không là nhìn vào khu vực doanh nghiệp, nhưng tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm cho thấy những điều bất thường.
Trong khi đó, theo nhận định của TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện VEPR: Doanh nghiệp càng khó khăn, quy mô vốn càng nhỏ thì các yếu tố vĩ mô khác càng khó đạt được.
Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua, từ đó cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng được báo cáo chỉ ra là tỷ gá, giá vàng và bong bóng tài sản có thể tăng áp lực lạm phát trong năm nay.
Về triển vọng tăng trưởng GDP năm 2024, báo cáo của VEPR cho rằng, còn nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo đó VEPR thận trọng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trong khoảng từ 5,5-6% trong năm 2024.
Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR khuyến nghị cần thực hiện 5 nhóm giải pháp, bao gồm: Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; Tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; Tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024; Thúc đẩy đa dạng hoá các kênh vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng; Nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.