Về tay người Thái, thương hiệu 30 năm tuổi - Nhựa Ngọc Nghĩa muốn rút khỏi sàn UPCoM

(Banker.vn) Cuối tháng 7, Nhựa Ngọc Nghĩa sẽ rời sàn UPCoM. Đáng chú ý, sau khi về tay nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới, doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 9 lần thực hiện năm ngoái.
Về tay ông chủ ngoại, nhà cung cấp bao bì nhựa cho Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk rời sàn chứng khoán, lên kế hoạch lợi nhuận tăng đột biến
Trong mảng bao bì PET nội địa, Nhựa Ngọc Nghĩa đứng đầu về thị phần. Đây chính là đối tác cung cấp bao bì nhựa cho các tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra công văn về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu NNG của Công ty CP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa).

Nguyên nhân là do Nhựa Ngọc Nghĩa huỷ tư cách công ty đại chúng theo công văn số 3964/UBCK-GSĐC ngày 23/6 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thuộc trường hợp huỷ đăng ký giao dịch theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 137 Nghị định số 155/2020 NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Theo đó, toàn bộ 81,57 triệu cổ phiếu NNG sẽ bị huỷ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 25/7 tới đây.

Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 5/7, cổ phiếu NNG đóng cửa ở mức 13.100 đồng/cp, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 9 năm ngoái. Như vậy, giá trị vốn hoá thị trường của Nhựa Ngọc Nghĩa hiện chỉ còn khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, động thái muốn rời sàn chứng khoán của Nhựa Ngọc Nghĩa diễn ra sau khi doanh nghiệp này về tay tập đoàn Thái Lan Indorama Ventures – nhà sản xuất hạt nhựa PET lớn nhất thế giới. Đầu năm ngoái, chi nhánh tại Hà Lan của tập đoàn này là Indorama Netherlands B.V đã chào mua công khai 100% cổ phần của Nhựa Ngọc Nghĩa với mức giá 26.219 đồng/cổ phần.

Sau khi các cổ đông lớn của Nhựa Ngọc Nghĩa thoái hết vốn, Indorama đã hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa hàng đầu Việt Nam. Theo đó, tổng số tiền mà Indorama đã chi rơi vào khoảng 2.139 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Indorama Netherlands đặt trụ sở tại Hà Lan, có vốn điều lệ khiêm tốn chưa đến 500 triệu đồng (18.000 euro), hoạt động trong lĩnh vực tài chính và sản xuất nhựa nhân tạo. Đây là một thành viên thuộc tập đoàn Thái Lan Indorama Ventures.

Được biết, tiền thân của Indorama Ventures là Indorama Holdings - nhà sản xuất len sợi lông cừu đầu tiên tại Thái Lan. Chỉ sau chưa đầy 15 năm hoạt động, tập đoàn này đã nhanh chóng trở thành đơn vị sản xuất các sản phẩm PET, sợi polyester lớn nhất của nước này. Hiện nay, Indorama Ventures đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thái Lan với giá trị vốn hóa lên tới gần 8 tỷ USD.

Trong tiến trình chuyển đổi thành tập đoàn đa quốc gia, Indorama Ventures liên tục mở rộng địa bàn thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập trên phạm vi toàn cầu và đã thực hiện thành công hơn 50 thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp tại Mỹ và châu Âu.

Về thương vụ mua lại Nhựa Ngọc Nghĩa, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh PET, IOD và sợi của Indorama Ventures cho biết, đây là “bàn đạp” để tập đoàn này tiến công thị trường Châu Á - Thái Bình Dương.

Kế hoạch tăng trưởng vượt bậc

Về phần Nhựa Ngọc Nghĩa, doanh nghiệp này được thành lập năm 1993 dưới sự quản lý và điều hành của gia đình ông La Văn Hoàng và được biết đến là đơn vị có năng lực sản xuất bao bì hàng đầu Việt Nam với công suất hàng năm khoảng 3,7 tỷ khuôn, chai PET và nắp nhựa,... dùng trong công nghiệp thực phẩm, nước giải khát, gia dụng, y tế và hóa chất.

Trong mảng bao bì PET nội địa, Nhựa Ngọc Nghĩa đứng đầu về thị phần. Đây chính là đối tác cung cấp bao bì nhựa cho các tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk. Nhờ duy trì tốt mối quan hệ làm ăn với các “ông lớn”, doanh nghiệp này nhanh chóng phát triển và mở rộng quy mô.

Sau đó, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng từng tham vọng dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm để gia tăng giá trị, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào mảng bao bì. Tuy nhiên, giấc mộng này đến nay vẫn đang dang dở.

Năm 2009, Nhựa Ngọc Nghĩa từng thành lập công ty sản xuất bánh kẹo Thực phẩm Đông Á để tiến vào mảng sản xuất nước chấm với Thực phẩm Hồng Phú, đơn vị sở hữu 2 thương hiệu nước chấm Kabin, Thái Long. Thế nhưng, những khoản thua lỗ kéo dài trong lĩnh vực thực phẩm đã khiến Ngọc Nghĩa phải rời khỏi ngành này.

Năm 2018, sau gần một thập kỷ hao tiền tốn của, Nhựa Ngọc Nghĩa đã thoái vốn khỏi Hồng Phú và hàng loạt khoản đầu tư khác để quay về mảng bao bì PET cốt lõi. Nhờ đó, đây cũng là năm lợi nhuận của doanh nghiệp này lập đỉnh. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Nhựa Ngọc Nghĩa đã lỗ nặng hơn 350 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng cho Công ty Hàng tiêu dùng Opera.

Về tay người Thái, thương hiệu 30 năm tuổi - Nhựa Ngọc Nghĩa muốn rút khỏi sàn UPCoM
Kết quả kinh doanh của Nhựa Ngọc Nghĩa những năm gần đây

Kể từ khi về tay ông chủ ngoại, bên cạnh kế hoạch rời sàn chứng khoán, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng. Theo đó, doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2023 có thể thu về 2.462 tỷ đồng doanh thu, tương đương với mức tăng trưởng 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với thực hiện năm ngoái.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/năm 2023, Nhựa Ngọc Nghĩa ghi nhận doanh thu đạt 490 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,7% so với cùng kỳ, thực hiện được 20% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 33 tỷ đồng, gấp hơn 4,7 lần quý I năm ngoái, tương ứng với 23 % kế hoạch năm.

Hệ sinh thái "đồ sộ" của bộ đôi Chủ tịch Vàng Phú Quý - Vàng Phú Cường vừa bị khởi tố

Không chỉ nắm giữ vị trí quan trọng nhất ở Vàng Phú Quý và Vàng Phú Cường, ông Lê Xuân Tùng và ông Nguyễn Ngọc ...

Hệ sinh thái APEC đồng loạt bổ nhiệm ban lãnh đạo mới, cổ phiếu có được giải cứu?

Sau khi người đứng đầu bị bắt giữ, hệ sinh thái APEC đồng loạt đưa ra thông báo bổ nhiệm lãnh đạo mới.

Đại gia Nguyễn Cao Trí vừa bị chặn mọi giao dịch sở hữu hệ sinh thái “đồ sộ” cỡ nào?

Hệ sinh thái của doanh nhân Nguyễn Cao Trí có cấu trúc “đồ sộ”, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: bất động sản, kinh doanh ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục