Về động thái "quay xe" của khối ngoại

(Banker.vn) Dù tháng 2 còn vài phiên giao dịch nữa, nhưng với diễn biến hiện nay thì có thể thấy dòng tiền khối ngoại trong tháng tiêu cực hơn nhiều so với tháng 1...

Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp, tâm điểm xả bán cổ phiếu bất động sản

Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán biến động mạnh với những phiên tăng điểm và giảm điểm lớn đan xen. Áp lực bán xuất hiện, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản cũng như các cổ phiếu vốn hoá lớn thuộc nhóm VN30, khiến cho VN-Index giảm 19,75 điểm, tương ứng 1,86%, về lại mốc 1.039,56 điểm.

Bên cạnh những diễn biến tiêu cực nói chung từ lo ngại nợ trái phiếu doanh nghiệp, một điểm đáng chú ý khác trong tuần qua là việc khối ngoại liên tục duy trì đà bán ròng với thanh khoản lớn, cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Về động thái

Thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết thanh khoản thị trường tuần qua tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn tăng 29,2% lên mức 12.919 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE đạt 1.421 tỷ đồng, tăng đến hơn 200% so với tuần trước. Ngược lại, khối ngoại lại mua ròng trên sàn HNX và UPCOM, với giá trị lần lượt đạt 125 tỷ đồng (tăng 98,4% so với tuần trước) và gần 7 tỷ đồng (giảm 58,3%).

“Đà giảm của thị trường trong tuần qua một phần đến từ khối ngoại. khối ngoại chuyển sang bán ròng do lo ngại FED có thể tăng lãi suất điều hành cao hơn kỳ vọng càng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán”, nhóm phân tích Công ty chứng khoán VNDirect bình luận.

Như vậy, đây là tuần thứ hai liên tiếp khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Tuần trước đó, khối ngoại kết thúc chuỗi 4 tuần mua ròng liên tiếp, với giá trị bán ròng khoảng 375 tỷ đồng. Trong đó, bán ròng mạnh chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng Sacombank sau những thông tin liên quan tới việc sở hữu khối ngoại. Còn về dòng vốn chung, cho thấy dòng tiền khối ngoại quay đầu rút ròng gần 22 triệu đô la trong tuần trước đó, theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Như vậy, dù tháng 2 còn vài phiên giao dịch nữa, nhưng với diễn biến hiện nay thì có thể thấy dòng tiền khối ngoại trong tháng tiêu cực hơn nhiều so với tháng 1.

Trong tháng trước, dòng tiền khối ngoại dường như chảy theo “quán tính” tăng mạnh từ hai tháng liền trước. Tổng giá trị vào ròng của tháng ghi nhận hơn 1.700 tỷ đồng, thấp hơn so với mức giải ngân lịch sử trong tháng 12 nhưng nhìn chung vẫn tương đối tích cực, theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI.

Khi nào thì khối ngoại trở lại?

Về động thái
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta

Về việc đảo chiều bán ròng của khối ngoại, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có đến 70% đến từ các quỹ ETF. Suốt từ tháng 4/2022, khi VN-Index sụt giảm nhóm này đã giải ngân và đỉnh điểm đạt kỷ lục vào tháng 11 đến tháng 12. Do đó, dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng mua ròng nhỏ giọt hoặc đảo chiều bán. Các ETF mới dư địa phát hành thêm cũng không còn nữa nên họ giảm mua.

Thêm nữa, hầu hết các ETF thường tracking theo chỉ số, khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào, liên tiếp mua ròng nhưng đến thời điểm tháng 2 vừa qua, VN-Index áp lực điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư phòng thủ giảm mua, quay ra bán.

Theo nhận định của ông Trần Phong, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập, đà mua ròng có thể chững lại trong nửa cuối tháng 2 và cả tháng 3, nhưng không làm thay đổi xu thế mua ròng tính theo bình diện cả năm 2023.

"Vị thế của khối ngoại trong quá khứ cũng như hiện tại đang hồi sinh khi dòng tiền trong nước suy giảm. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đã tăng từ 10% năm 2020 – 2021 lên mức 20% - 30% từ giữa năm 2022 đến nay. Do vậy khối ngoại là một ẩn số không thể bỏ qua trong mọi suy xét về xu thế của thị trường trong năm 2023", ông Phong nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trong quý III/2023 hoặc sớm hơn. Và có 3 yếu tố quyết định xu hướng mua bán của khối ngoại trong năm 2023.

Thứ nhất, với nhà đầu tư nước ngoài nếu ngoại trừ ETF thì họ mua bán phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, vĩ mô, định giá. Vĩ mô năm nay chúng ta không còn tăng trưởng mạnh dù không quá rủi ro nhưng giảm tốc là điều sẽ xảy ra và khối ngoại sẽ chững lại. Về mặt định giá, sau khi thị trường đón nhận kết quả kinh doanh, Vn-Index đang giao dịch PE ở mức 14x cao hơn so với thời điểm tháng 10 - tháng 11/2022 do đó thị trường cần về mức hợp lý hơn 11x-12x sẽ kích hoạt được dòng tiền khối ngoại quay trở lại giải ngân.

Thứ hai, liên quan đến câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư cá nhân trong nước, họ chờ đợi những thông tin xung quanh Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây. Nếu Nghị định này được thông qua sẽ gỡ nút thắt về thanh khoản cho doanh nghiệp, áp lực vỡ nợ trái phiếu giải tỏa, rủi ro dài hạn giảm cũng là yếu tố kích thích dòng vốn ngoại quay lại với chứng khoán Việt Nam.

"Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ rơi vào thời điểm cuối quý II và quý III, nếu giai đoạn này không có tình trạng vỡ nợ thì chứng khoán sẽ không bị ảnh hưởng, ngược lại nếu có thì sẽ gây tâm lý tiêu cực cho khối ngoại và dẫn đến tình trạng họ bán ròng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang chờ thông tin từ phía quản lý nhà nước, nếu Chính phủ đồng ý giải cứu thì xu hướng sẽ tích cực, dòng vốn ETF cũng sẽ quay lại sớm", ông Minh kỳ vọng.

Thứ ba, câu chuyện ngắn hạn hơn nằm ở chỗ dòng vốn tín dụng của ngân hàng, chúng ta vẫn đang chờ động thái của Ngân hàng Nhà nước nhưng vừa rồi có thông tin Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội. Nếu đề nghị này được thông qua sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán nói chung và khơi thông dòng tiền khối ngoại quay trở lại chứng khoán Việt Nam.

Nhận định chứng khoán ngày 27/2/2023: Quán tính giảm điểm còn tiếp diễn

VN-Index có phiên giảm điểm thứ tư liên tiếp, trong khi khối lượng giao dịch sụt giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 ...

VNDirect: Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 25.700 đồng/cp

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng, khó khăn đã được phản ánh vào giá khi VPB hiện chỉ được giao dịch ...

Thị trường chứng khoán ngày 27/2/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

VN-Index trải qua tuần biến động mạnh; Khối ngoại liên tục duy trì đà bán ròng với thanh khoản lớn; Cổ phiếu FLC tiếp tục ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục