VDSC: Dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh

(Banker.vn) VDSC cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh trong năm 2022 sau khi các thông tin về mục tiêu kinh doanh được chia sẻ sau ĐHĐCĐ.

Theo báo cáo chiến lược tháng 4, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán thị trường sẽ chú ý nhiều đến các thông tin từ ĐHĐCĐ khi triển vọng tăng trưởng 2022 được đánh giá rõ ràng hơn với chia sẻ từ ban lãnh đạo. Do đó, VDSC cho rằng dòng tiền trên thị trường sẽ luân chuyển vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng mạnh năm 2022 hoặc có yếu tố câu chuyện riêng (ví dụ như phát hành cổ phiếu).

Đơn vị này lo ngại về khả năng điều chỉnh ở các nhóm cổ phiếu nhỏ thiếu các yếu tố cơ bản tốt sau mùa ĐHĐCĐ và sự dè chừng của nhà đầu tư cho nhóm cổ phiếu này sau những hành động gần đây của cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành động thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhìn chung, VN-Index được dự báo sẽ dao động trong khoảng 1.480 - 1.570 điểm.

Chi tiết hơn, VDSC cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng mạnh trong năm 2022 sau khi các thông tin về mục tiêu kinh doanh được chia sẻ sau ĐHĐCĐ.

Thanh khoản thị trường xoay quanh mức 20.000 - 28.000 tỷ đồng/phiên và dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ xoay quanh các nhóm ngành trong quý I dẫn đến việc VN-Index không có xu hướng rõ ràng trong ba tháng đầu tiên. Trong thời gian tới, xu hướng này được cho sẽ tiếp tục và dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng cao và yếu tố cơ bản tốt trong năm 2022.

Hiện tại, dòng tiền dồi dào dẫn dắt bởi nhóm nhà đầu tư F0 đã làm định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, các cổ phiếu này nhanh chóng đối mặt với áp lực chốt lời khi hoạt động kinh doanh tiếp tục yếu kém như đã xảy ra trong quý IV/2021.

Do đó, VDSC lo ngại khả năng điều chỉnh ở những cổ phiếu thuộc nhóm này với triển vọng cơ bản không có nhiều chuyển biến sau mùa ĐHĐCĐ. Hơn nữa, việc cơ quan chức năng bắt đầu mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và xử lý các trường hợp thao túng giá cổ phiếu cũng sẽ tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư với các nhóm cổ phiếu nhỏ.

Trong hoàn cảnh đó, nhóm cổ phiếu VN30 có nền tảng cơ bản tốt và có yếu tố câu chuyện riêng là một trong những lựa chọn tốt dựa trên khoảng cách điểm số trong mức chấp nhận được của VN30 và VN-Index (17 điểm tại thời điểm 31/3), dưới mức trung bình của quý I là 23 điểm và 38 điểm trong giai đoạn 2012 - 2016. Vào những thời điểm đó, định giá VN30 dao động từ 10 đến 17 lần.

Vào cuối ngày 31/3, VN30 được giao dịch ở mức 15,9 lần và P/E dự phóng dưới 14 lần với mức tăng trưởng EPS gần 20% trong 12 tháng tới (theo Bloomberg).

5001-cp0

Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VDSC cho rằng thép và ngân hàng sẽ hỗ trợ một phần cho VN-Index với triển vọng cải thiện biên lợi nhuận gộp tốt trong hai quý tới; tăng trưởng lợi nhuận trên 30% cùng với câu chuyện phát hành cổ phiếu.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng được kỳ vọng tích cực với động lực từ chuyển đổi số sẽ hỗ trợ câu chuyện lợi nhuận năm nay. Thủy sản với đà tăng trưởng tốt của thị trường xuất khẩu cũng sẽ là nhóm thu hút dòng tiền.

Đối với các nhóm cổ phiếu thực phẩm đồ uống (F&B) và bất động sản, động lực trong ngắn hạn cho cả ngành chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu dựa vào yếu tố câu chuyện riêng của các doanh nghiệp (thời gian thực hiện các thương vụ bán vốn, mở bán/mua quỹ đất nhiều khả năng sẽ thực hiện sôi động hơn trong nửa cuối năm 2022). Do đó quan điểm chung của VDSC đối với các nhóm này là trung lập.

Linh Đan

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục