Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thực hiện nâng giá mục tiêu của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bao gồm VIB, BID, ACB và VPB. Việc tăng giá mục tiêu của các cổ phiếu dựa trên kỳ vọng lợi nhuận các ngân hàng tăng trong thời gian tới.
Mức tăng định giá cao nhất là cổ phiếu VPBank từ 51.500 đồng/cp lên 85.700 đồng/cp, tăng hơn 66% với kỳ vọng lợi nhuận tăng 35% sau khi có cổ đông chiến lược ngoại mà nhiều khả năng là SMBC, ngân hàng Nhật Bản vừa mua 49% vốn tại FE Credit.
Thị giá cổ phiếu VPB cuối ngày hôm nay (10/6) là 71.800 đồng/cp, tăng gấp đôi kể từ đầu năm tới nay.
Lợi nhuận ròng của VIB ước tăng 27,7%
Cụ thể, nhóm chuyên gia của VCSC cho rằng lợi nhuận sau thuế (sau lợi ích cổ đông thiểu số) của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) sẽ tăng 27,7% trong giai đoạn 2021- 2025, đồng thời chi phí vốn chủ sở hữu ước tính giảm 0,05 điểm %.
Tác động của việc cập nhật mô hình định giá và tăng hệ số P/B mục tiêu của VIB từ 1,65 (lần trước) lên 1,97 đã khiến cho mức giá mục tiêu tăng mạnh từ 35.700 đồng/cp lên 50.000 đồng/cp, vẫn thấp hơn so với thị giá ngày công bố báo cáo 72.200 (ngày 7/6).
Trên thực tế, giá cổ phiếu VIB đã tăng khoảng 76,2% trong 3 tháng qua.
VCSC cho rằng NIM của VIB sẽ tăng trong năm 2021 lên mức 4,25% nhưng khó có thể nâng cao hơn mức này trong những năm tiếp theo.
Chỉ tiêu ROE, ROA trong năm 2020 của VIB (Nguồn: VCSC)
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ cho vay bán lẻ của VIB trên tổng dư nợ vay đạt mức cao nhất trong danh mục theo dõi của VCSC là 82,8%. Do đó, VCSC đánh giá khả năng cải thiện lợi suất tài sản sinh lãi của VIB sẽ bị hạn chế trong tương lai.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cho rằng VIB sẽ phải chịu áp lực tăng tỷ trọng nguồn vốn dài hạn để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao do các quy định ngày càng chặt chẽ đối với việc huy động ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 3 năm tới.
VCSC ghi nhận ROE của VIB cao nhất trong phạm vi danh mục ngân hàng theo dõi, tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng ngân hàng sẽ bước vào giai đoạn khó khăn để duy trì tốc độ CAGR lợi nhuận ở mức 69,6% trong những năm tiếp theo.
Với mức dự phòng P/B là 3,46 lần, giá cổ phiếu VIB được đánh giá là đang giao dịch ở mức chênh lệch cao hơn 63,5% so với mức trung vị của các ngân hàng khác, thậm chí cao hơn 5,4% so với VCB.
NIM của ACB sẽ đạt đỉnh trong năm 2021
Với ACB, chuyên gia của VCSC nâng giá mục tiêu của ACB tăng thêm 28% lên mức 43.700 đồng/cp với dự báo NIM của ngân hàng sẽ tăng 4,06% trong năm 2021.
Nguyên nhân khiến NIM tăng chủ yếu là tác động của 4 đợt cắt giảm giới hạn tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng vào năm 2020 đã bắt đầu có tác động đáng kể đến chi phí vốn, đồng thời, tỷ lệ CASA của ngân hàng cũng đã được cải thiện.
VCSC nhận định NIM của ngân hàng sẽ đạt đỉnh vào năm 2021 và sau đó giảm xuống 3,64% vào năm 2023 do việc ACB cho vay nhiều mảng SME đầy cạnh tranh.
Dù vậy, chuyên gia của VCSC cảnh báo rủi ro cạnh tranh có thể hạn chế đà tăng trưởng của CASA. Hơn nữa, COVID-19 kéo dài có thể khiến ngân hàng tiếp tục đưa ra biện pháp hỗ trợ cho khách hàng làm giảm tỷ lệ NIM và dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến.
NIM của BIDV phục hồi lên 2,69% trong năm 2021
Tương tự, VCSC cũng nâng giá mục tiêu cổ phiếu BID lên mức 46.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 11,4%. Theo đó, BID đang có định giá với P/B năm 2021 là 2,27 lần, cao hơn 1,91 lần so với mức trung bình của các ngân hàng khác
VCSC cho rằng NIM của ngân hàng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2021 lên mức 2,69%, đồng thời dự phòng ROE và ROA năm 2021 lần lượt là 13,7% và 0,69%.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VCSC cũng lưu ý về các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như rủi ro pha loãng có thể xảy ra khi ngân hàng cần huy động vốn để duy trì tăng trưởng cho vay trong tương lai. Bên cạnh đó, chu kỳ giảm của nền kinh tế cũng có thể dẫn đến việc chi phí tín dụng sẽ tăng lên mức cao hơn.
Phương Nga
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|