VCM Index 2024: Campuchia tạo “cú sốc lớn” trên bảng xếp hạng thị trường carbon tự nguyện

(Banker.vn) Chỉ số Hấp dẫn Đầu tư Thị trường Carbon Tự nguyện (VCM Index) 2024 do Abatable công bố đã xếp hạng 40 quốc gia theo mức độ hấp dẫn đầu tư dự án carbon. Colombia, Kenya và Campuchia dẫn đầu bảng xếp hạng. Việt Nam giảm 11 bậc so với năm ngoái, xếp hạng 26 trong số 44 thị trường được đánh giá.

Chỉ số Hấp dẫn Đầu tư Thị trường Carbon Tự nguyện (VCM Index) 2024 được công bố bởi Abatable tại Tuần lễ Khí hậu ở New York vào tháng 9 vừa qua. Đây là công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư đánh giá tiềm năng của các dự án carbon trên toàn cầu. Chỉ số này dựa trên ba trụ cột chính và 24 chỉ số phụ để đánh giá toàn diện bối cảnh thị trường carbon, bao gồm các yếu tố như quy định pháp lý, sự sẵn sàng của thị trường, cơ hội phát triển dự án và khả năng định hình thị trường carbon trong tương lai.

Abatable, có trụ sở tại London (Anh), là nhà cung cấp các giải pháp liên quan đến thị trường carbon. Công ty cung cấp công cụ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đánh giá rủi ro và nâng cao tác động môi trường của các dự án liên quan đến carbon.

Đồng sáng lập Abatable, bà Maria Eugenia Filmanovic, cho biết VCM Index không chỉ xem xét khía cạnh kinh tế mà còn đánh giá tiềm năng tác động của các dự án carbon đối với khí hậu, thiên nhiên và con người. Dưới đây là top 3 quốc gia dẫn đầu trong danh sách 40 thị trường được xếp hạng.

VCM Index 2024: Campuchia tạo “cú sốc lớn” trên bảng xếp hạng thị trường carbon tự nguyện
Campuchia leo lên vị trí thứ 3 trong VCM Index 2024. Quốc gia Đông Nam Á này nổi bật với hệ động thực vật đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án carbon liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu

Colombia và Kenya dẫn đầu VCM Index 2024

Colombia tăng 11 bậc và vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng VCM Index 2024. Quốc gia Nam Mỹ này là một trong 17 nước đa dạng sinh học nhất thế giới, nhờ một phần lớn diện tích rừng nhiệt đới Amazon. Colombia đã phát hành tổng cộng 142 triệu tấn tín chỉ carbon, tập trung vào các giải pháp dựa trên thiên nhiên (NBS), kể từ khi thị trường tín chỉ carbon được thành lập.

Colombia cũng có tiến bộ vượt bậc trong việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon toàn cầu. Thuế carbon của nước này và cơ chế đăng ký tín chỉ carbon quốc gia đã giúp thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Khung pháp lý vững chắc và sáng tạo về định giá carbon đã góp phần giúp Colombia dẫn đầu bảng xếp hạng.

Kenya, quốc gia đứng đầu VCM Index năm 2023, đã tụt xuống vị trí thứ hai. Tuy nhiên, Kenya vẫn là một trong những quốc gia cung cấp tín chỉ carbon lớn nhất châu Phi, phát hành khoảng 20% tổng số tín chỉ carbon của châu lục từ năm 2016 đến 2021. Việc triển khai khung pháp lý theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris giúp Kenya cải thiện đáng kể khả năng tham gia vào thị trường carbon toàn cầu.

Khung pháp lý này bao gồm hai cơ chế chính: Điều 6.2 cho phép các quốc gia giao dịch tín chỉ carbon theo thỏa thuận song phương, và Điều 6.4 tạo ra sàn giao dịch carbon toàn cầu dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Những cải tiến này giúp Kenya tiếp tục duy trì vị trí cao trong bảng xếp hạng.

Campuchia thăng hạng mạnh mẽ

Campuchia tăng 3 bậc lên vị trí thứ 3 trong VCM Index 2024. Quốc gia Đông Nam Á này nổi bật với hệ động thực vật đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án carbon liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc ban hành "Sổ tay hướng dẫn hoạt động toàn diện theo Điều 6" vào tháng 12/2023 đã giúp Campuchia tăng điểm trong hạng mục sẵn sàng tham gia thị trường carbon toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam đã giảm 11 bậc so với năm 2023, đứng ở vị trí 26 trong số 44 quốc gia. Theo báo cáo, Việt Nam hiện có 113 dự án liên quan đến thị trường carbon, với 41% là các dự án năng lượng hiệu quả, 39% là dự án năng lượng tái tạo và 19% thuộc các dự án khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành hướng dẫn hoặc quy định chính thức liên quan đến Điều 6 của Thỏa thuận Paris, điều này khiến thứ hạng của Việt Nam chưa cao.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia có thứ hạng cao hơn Việt Nam, lần lượt ở vị trí 15 và 17. Trong khi đó, Malaysia và Myanmar đứng sau Việt Nam, lần lượt ở vị trí 28 và 29.

Ngoài ba quốc gia dẫn đầu, các quốc gia khác như Madagascar, Zambia và Brazil cũng ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc phát triển thị trường carbon. Brazil đã tăng 33 bậc trong bảng xếp hạng nhờ sự gia tăng nguồn cung tín chỉ carbon. Nước này đang thu hút sự quan tâm lớn từ các công ty công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft và Amazon, những doanh nghiệp đang đầu tư hàng triệu USD vào các sáng kiến carbon của Brazil.

Doanh nghiệp không còn “mặn mà” với giao dịch tín chỉ carbon, nguyên nhân vì đâu?

Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh các hãng hàng không và các khách hàng lớn mua tín chỉ carbon như các công ty năng lượng ...

Doanh nghiệp nỗ lực phát triển bể hấp thụ Carbon, hướng đến mục tiêu Net Zero 2050

25ha khu vực cánh rừng Net Zero của Vinamilk phối hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã ...

Việt Nam ủng hộ thiết lập thị trường điện ASEAN, thúc đẩy hợp tác năng lượng xanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành ý tưởng xây dựng thị trường điện ASEAN và kết nối điện qua cáp ngầm, nhằm tạo nền ...

Nguyễn Thanh

Nguyễn Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục