VCCI góp ý gì về kê khai mức giá?

(Banker.vn) VCCI đề nghị bỏ nội dung kê khai mức giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa mỗi lần kê khai
VCCI góp ý 406 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp Lo ngại cơ chế "xin cho" VCCI kiến nghị sửa quy định liên quan mua nhà hình thành trong tương lai

Trả lời công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra quan điểm liên quan đến chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu tại dự thảo.

tháng khuyến mại
Theo VCCI, quy định có thể sẽ khiến doanh nghiệp ngại khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng

Cụ thể, Điều 28.3 của Luật Giá quy định: “Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có) và nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai”.

Tuy nhiên theo VCCI, tại Phụ lục 6 của Dự thảo về Mẫu văn bản kê khai giá đã yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai thêm cả nội dung về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu: “Ghi rõ các chính sách và mức khuyến mại, giảm giá hoặc chiết khấu đối với các đối tượng khách hàng, các điều kiện vận chuyển, giao hàng, bán hàng kèm theo mức giá kê khai (nếu có)”.

Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ nội dung này tại Phụ lục, vì 3 lý do: Thứ nhất, việc Phụ lục yêu cầu thêm nội dung này trái với Điều 28.3 của Luật Giá.

Thứ hai, không phải trường hợp nào doanh nghiệp cũng chuẩn bị chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể đưa ra biện pháp khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng ngay trong quá trình đàm phán từng giao dịch với từng khách hàng. Điều này không nhất thiết cần được lập thành chính sách bán hàng chung, mà sẽ được quyết định từng thời điểm, từng trường hợp. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai sau mỗi giao dịch như vậy sẽ là không cần thiết và không khả thi.

Thứ ba, quy định này có thể sẽ khiến doanh nghiệp ngại khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng, và có thể dẫn đến không đạt được thoả thuận bán hàng, kết quả là làm tăng chi phí và thời gian giao dịch, làm chậm tốc độ lưu thông hàng hoá, dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục