VCCI đề nghị tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho phát triển và quản lý nhà ở xã hội

(Banker.vn) Để thuận lợi cho phát triển và quản lý nhà ở xã hội, VCCI đề nghị bỏ quy định Hồ sơ chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá phải có chấp thuận chủ trương đầu tư…
Cấp giấy phép cho dự án nhà ở xã hội có xu hướng tăng Tín dụng bất động sản đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng nhưng cho vay nhà ở xã hội thấp

Góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến liên quan đến trình tự, thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn.

Theo đó, liên quan đến hồ sơ đề nghị thẩm định giá, VCCI cho rằng, điểm b khoản 2 Điều 32 Dự thảo quy định trong hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định giá phải có “hồ sơ pháp lý của dự án, gồm có: Chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định giao đất; phê duyệt quy hoạch 1/500; giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác có liên quan.

"Việc yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp các giấy tờ này là chưa hợp lý, bởi vì cơ quan quản lý nhà nước đã có" - VCCI nêu rõ và cho rằng, để tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, đề nghị bỏ yêu cầu phải có các tài liệu này, tức là bỏ điểm b khoản 2 Điều 32 Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

VCCI đề nghị tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho phát triển và quản lý nhà ở xã hội
VCCI góp ý dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Ảnh minh hoạ)

Liên quan đến trình tự thẩm định, theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 32 Dự thảo, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quá thời hạn phải thẩm định, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh phải có văn bản thông báo kết quả thẩm định.

"Đặc biệt, khi có văn bản thông báo kết quả thẩm định mà giá thẩm định cao hơn giá do chủ đầu tư đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm; trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải ký lại hợp đồng hoặc điều chỉnh bổ sung phụ lục hợp đồng và phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà". Theo VCCI, quy định này cần được xem xét lại bởi vì gây bất lợi một cách bất hợp lý cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã thực hiện thủ tục thẩm định, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn quy định, không đưa ra văn bản thẩm định giá, chủ đầu tư được quyền ký hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở xã hội với khách hàng theo phương án giá đã trình thẩm định hoặc giá đề nghị trong hồ sơ dự thầu (điểm c khoản 3 Điều 32).

Như vậy, việc chủ đầu tư ký hợp đồng với người mua nhà với phương án giá đã trình thẩm định hoặc giá đề nghị trong hồ sơ dự thầu là hợp pháp. Việc Dự thảo yêu cầu chủ đầu tư phải điều chỉnh lại giá bán trong trường hợp thấp hơn kết quả thẩm định giá của cơ quan quản lý nhà nước là thiếu căn cứ, trong khi việc ban hành văn bản thẩm định giá muộn là lỗi của cơ quan nhà nước.

Mặt khác, xét về tính công bằng, cùng sử dụng văn bản thông báo kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước là căn cứ để xem xét giá bán, giá cho thuê mua, nhưng trường hợp chủ đầu tư bán giá thấp hơn lại không được điều chỉnh, trong khi bán giá cao hơn lại phải điều chỉnh, là chưa đảm bảo công bằng cho các bên trong giao dịch. Việc yêu cầu ký lại hợp đồng và hoàn lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà sẽ ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng cho chủ đầu tư và cả khách hàng.

Để đảm bảo tính hợp lý và tăng trách nhiệm từ cơ quan thẩm định giá của nhà nước, VCCI đề nghị bỏ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 32 Dự thảo.

Về trường hợp sử dụng giá trúng thầu, Khoản 4 Điều 32 Dự thảo quy định “trường hợp chủ đầu tư sử dụng giá trúng đấu thầu thì không phải thực hiện thẩm định lại giá bán, giá cho thuê mua nhà ở”.

Theo VCCI, quy định này chưa rõ ở điểm, trong trường hợp sử dụng giá trúng đấu thầu thì chủ đầu tư có phải thực hiện thủ tục thông báo giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội đến cơ quan quản lý nhà nước trước khi thực hiện ký kết hợp đồng không? Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục