Theo báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết trong bối cảnh nhu cầu tín dụng đầu năm tăng tốt, hiện VietinBank (CTG) đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao cho năm 2022 là 10%.
Trong khi đó, CTG là một trong các ngân hàng chủ lực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, với 30% tổng dư nợ thuộc nhóm hỗ trợ lãi suất. Dự kiến nhu cầu vay vốn sẽ tăng mạnh hơn nữa khi gói hỗ trợ được triển khai và nhiều khả năng CTG sẽ sớm được ưu tiên nới thêm room trong thời gian tới.
Theo VCBS, ước tính tăng trưởng tín dụng của CTG đạt 12% trong năm 2022 do hệ số CAR ở mức thấp chỉ khoảng 9%. Khác với 2 ngân hàng quốc doanh khác là BID và VCB có thể tháo gỡ khó khăn về vốn thông qua phát hành thêm cho cổ đông nước ngoài, vốn tự có của CTG chủ yếu dựa vào nguồn lợi nhuận giữ lại (ngân hàng chủ trương không chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong 2 năm tới), cùng với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để tăng vốn cấp 2. Do đó, CTG sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng cao trong dài hạn.
Nguồn: CTG, VCBS tổng hợp
Về hoạt động bancasurance với Manulife, thương vụ Manulife mua lại Aviva đã được Bộ Tài chính phê duyệt và CTG hiện đã đủ điều kiện để ghi nhận khoản phí trả trước. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết phí trả trước sẽ được ghi nhận trong 5 năm bắt đầu từ năm nay, tương đương với khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm theo ước tính của VCBS.
Hoạt động bán chéo bảo hiểm hợp tác với đối tác mới được kích hoạt từ quý II/2022, với mục tiêu đẩy doanh số bảo hiểm năm 2022 lên trên 1.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào thu nhập phí trong các năm tiếp theo.
Về tình hình thoái vốn các công ty con, ban lãnh đạo CTG chia sẻ hiện ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn hoặc gia tăng vốn tại các công ty con theo Đề án tái cơ cấu, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái gồm 9 công ty con cung cấp các dịch vụ tài chính chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ, chuyển tiền... Trong đó, thương vụ thoái vốn Vietinbank Leasing vẫn đang trong quá trình đàm phán với đối tác để đảm bảo pháp lý và hiệu quả thoái vốn.
Ngoài những triển vọng nêu trên, báo cáo còn chỉ ra những rủi ro về nợ xấu, trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi sau dịch, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu của CTG vẫn duy trì ở mức cao là yếu tố cần được theo dõi. Trong trưởng hợp các khoản dư nợ này chuyển thành nợ xấu sẽ khiến cho chi phí trích lập tiếp tục tăng lên vượt mức 15.000 tỷ đồng theo kế hoạch đề ra trước đó.
Biên lãi ròng NIM thu hẹp do lãi suất huy động dự kiến tăng và áp lực duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, CTG có thể giảm thiểu rủi ro này thông qua chuyển dịch cơ cấu dư nợ cho vay sang các phân khúc sinh lời cao là bán lẻ và SME, cũng như cải thiện tỷ lệ CASA hiện còn thấp ở mức 19,5%.
Hồng Giang
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|