VCB cùng FPT tiếp tục "khai phá" đỉnh lịch sử

(Banker.vn) Cùng với đà tăng của VN-Index, 2 cổ phiếu nhóm VN30 là VCB và FPT cũng liên tục thiết lập đỉnh lịch sử...

Sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục mở cửa tăng nhẹ trước khi xuất hiện lực bán và để mất mốc 1.200 điểm. Chốt phiên giao dịch sáng 27/7, sàn HOSE có 324 mã tăng, 116 mã giảm và 57 mã tham chiếu. VN-Index giảm 6,55 điểm, tương đương 0,55% lên xuống vùng 1.194,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 593.172.107 đơn vị, tổng giá trị lên trên 11.500 tỷ đồng. Nhóm VN30 cũng diễn biến cùng chiều với chỉ số chung trong phiên sáng khi giảm 5,63 điểm tương đương 0,47%.

Như vậy sau 3 tháng nỗ lực hồi phục, VN-Index đã tăng hơn 160 điểm (+16%). Đóng góp lớn cho mức tăng này chính là cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank. Trong cùng thời điểm, VCB đã tăng gần 25% lên mức lịch sử 93.400 đồng/cp phiên 26/7 (giá sau phát hành). Vietcombank cũng đồng thời trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên chứng trường Việt vượt mức vốn hóa 500.000 tỷ đồng (hiện đạt hơn 521.000 tỷ).

Ngoài VCB, với chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp tính đến hết phiên sáng ngày 27/7, cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT cũng thiết lập mức giá lịch sử 81.840 đồng/cp - vượt đỉnh cũ vùng 81.000 đồng hồi giữa tháng 4 năm ngoái.

Nếu tính từ ngưỡng 6.700 đồng hồi cuối tháng 7/2013, sau tròn 10 năm, cổ phiếu FPT đã tăng gần 12,5 lần giá trị (khoảng 1.150%); vốn hóa chính thức gia nhập nhóm 100.000 tỷ (hiện đạt gần 107.000 tỷ đồng). Tài sản công ty cũng tăng 3,45 lần (từ mức 17.560 tỷ).

VCB cùng FPT tiếp tục
Diễn biến giá cổ phiếu FPT từ đầu năm 2023 đến nay

Thời gian vừa qua, cổ đông FPT cũng liên tục nhận những thông tin khá tích cực. Cụ thể, Công ty vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với lợi nhuận cao kỷ lục. Theo đó, FPT ghi nhận doanh thu đạt 12.484 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.509 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT ghi nhận tổng doanh thu đạt 24.166 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận trước thuế đạt 4.339 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm FPT đã hoàn thành 49% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.

Về kết quả kinh doanh đầy ấn tượng đạt được trong nửa đầu năm 2023, FPT cho biết thêm, mảng công nghệ bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và ngoài nước vẫn tiếp tục là nguồn thu chủ chốt, mang về 14.202 tỷ đồng, chiếm 59% tổng doanh thu và 46% tổng lợi nhuận trước thuế.

Trong đó, doanh thu và lợi nhuận dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài lần lượt tăng 30,2% và tăng 34,6% so với nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, bất chấp sự mất giá của đồng Yên, đà tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản vẫn được duy trì, với mức tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, sự tăng trưởng này đạt được là do các đối tác Nhật Bản đang có nhu cầu chi tiêu lớn cho chuyển đổi số - lĩnh vực mà nước này đang bị tụt lại sau Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tập đoàn FPT đang mở thêm các văn phòng mới tại Nhật Bản và tăng cường tiếp xúc với các tập đoàn lớn. Đầu tháng 6/2023, văn phòng thứ 15 của Tập đoàn FPT tại Nhật Bản đã đi vào hoạt động.

Tại thời điểm kết thúc quý 2, tổng tài sản của FPT đạt mức 60.556 tỷ đồng, tăng 17% so với số đầu năm. Trong đó, 44% tổng tài sản là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng với 26.688 tỷ đồng, tăng 38% so với thời điểm đầu năm và tăng gấp rưỡi cho với thời điểm cuối quý 1.

Vốn chủ sở hữu đạt 28.595 tỷ đồng, tăng 28% so với số đầu năm, trong đó giá trị lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 10.666 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) vừa công bố báo cáo triển vọng đối với Công ty CP FPT. Theo đó, VND dự báo doanh thu mảng công nghệ của FPT đạt 29.699 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 16,4% và đạt 37.037 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 24,8% so với cùng kỳ. VND cho rằng biên lợi nhuận gộp của FPT sẽ tiếp tục cải thiện nhờ đẩy mạnh mảng chuyển đổi số (Dx) với biên lợi nhuận cao trong mảng công nghệ.

Trong năm 2023, VND dự phóng doanh thu Dx sẽ đạt 9.824 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. đóng góp 33% doanh thu mảng công nghệ và 18,9% tổng doanh thu của FPT. Từ đó, VND kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của FPT sẽ tăng 0,3 điểm % lên 39,8%.

Qua đó, VND duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 105.500 đồng/cp. Định giá của VND dựa trên phương pháp tổng giá trị các thành phần (SOTP) dựa trên P/E cho ba mảng kinh doanh chính của công ty. VND áp dụng mức P/E trung bình năm 2023 của 3 mảng tương ứng từng phân khúc với mức chiết khấu 15% trên P/E trung bình của các công ty cùng ngành công nghệ và viễn thông do chênh lệch về lãi suất giữa Việt Nam và các quốc gia được theo dõi khác.

Tiềm năng tăng giá bao gồm thỏa thuận M&A thành công với các công ty công nghệ nước ngoài và doanh thu dịch vụ CNTT ký mới cao hơn dự kiến.

Rủi ro giảm giá bao gồm: Suy thoái kinh tế kéo dài dẫn đến chi tiêu cho mảng công nghệ thắt chặt hơn dự kiến; cạnh tranh mạnh mẽ từ các công ty viễn thông tích hợp cung cấp cả dịch vụ băng thông rộng có dây và di động trong thời đại phát triển công nghệ mạng 5G.

Ngưỡng 1.200 điểm được chinh phục, VN-Index đối diện với kịch bản nào?

Sau khi chính thức vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm, liệu VN-Index có tiếp tục chinh phục những vùng giá cao hơn?

DNSE được vinh danh nền tảng chứng khoán của năm bởi Asean Banking & Finance

Bày tỏ sự vui mừng khi nhận cú đúp giải thưởng danh giá, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE chia sẻ: ...

Chứng khoán phiên sáng 27/7: Thanh khoản tăng mạnh, VN-Index đỏ lửa cuối phiên

VN-Index bất ngờ chấm dứt đà tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch sáng nay. Đáng chú ý, CTD là cổ phiếu giảm mạnh nhất ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán