Vàng SJC giao dịch quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng

(Banker.vn) Giá vàng trong nước ngày 23/8 đồng loạt đi ngang tại các hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h45. Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm nhẹ sau khi giảm 6 phiên liên tiếp xuống đáy gần một tháng vào phiên trước, vì đồng USD mạnh và triển vọng Fed tăng lãi suất.

Giá vàng hôm nay 22/8/2022: "Thất thế" trước đồng USD quá mạnh

Vàng trong nước "tụt" giá phiên đầu tuần

Giá vàng hôm nay 23/8/2022: Vàng lao dốc, kim loại quý "héo mòn"

Cụ thể, vàng SJC đứng yên cho chiều mua và chiều bán tại doanh nghiệp Phú Quý và Tập đoàn Doji. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và hệ thống PNJ chi nhánh Hà Nội và TP HCM cũng niêm yết giá vàng SJC giữ nguyên so với cuối phiên giao dịch ngày hôm qua.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 66,10 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 67,02 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác trong sáng nay, giá vàng 24K, vàng tây 18K và vàng 14K đứng yên cho cả hai chiều mua - bán.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 23/8, giá vàng giao ngay giảm 0,05% xuống 1.736,2 USD/ounce vào lúc 6h08 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,01% xuống 1.748,2 USD.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Đồng USD lên cao nhất trong 5 tuần mới so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, theo đó khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua trên thị trường quốc tế. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,76% lên 108,92.

Vàng chịu áp lực từ đồng USD và triển vọng của thị trường rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nhấn mạnh lập trường chính sách diều hâu của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, ông Daniel Ghali, chiến lược gia tiền tệ tại TD Securities, cho hay.

Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu vàng, vốn là tài sản không sinh lãi.

Kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters cho thấy Fed có thể nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 9, trong bối cảnh triển vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh và lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 18,96 USD sau khi xuống thấp nhất 4 tuần vào đầu phiên. "Giá bạc đã thể hiện không tốt trong các phiên giao dịch gần đây, điều này phản ánh nhu cầu công nghiệp đối với bạc đang chậm lại cũng như tâm lý đầu cơ đang giảm sút", ông Ghali cho biết.

Trong khi đó, giá bạch kim giảm 2,3% xuống 875,42 USD và giá palladium giảm 6,2% xuống 1.992,18 USD.

Han Tan, chuyên gia phân tích thị trường tại Exinity, cho biết: “Các kim loại quý đang héo mòn khi đồng USD tiếp tục trở lại mức cao gần đây, trong bối cảnh các thị trường khôi phục lại sự đặt cược vào Fed cực kỳ "diều hâu".

Các manh mối về chính sách tiền tệ từ hội nghị thường niên ngân hàng trung ương toàn cầu sắp tới tại Jackson Hole, Wyoming có thể sẽ quyết định động thái tiếp theo của vàng và giá có thể xuống ngưỡng 1.700 USD/ounce nếu Fed vẫn kiên định lập trường giải quyết lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất mạnh, chuyên gia Han Tan nói thêm.

Tiêu điểm tuần này sẽ là bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell khi ông phát biểu tại hội nghị ở Jackson Hole vào ngày 26/8 tới.

Với tình hình hiện nay, khi vẫn chưa thể khẳng định kinh tế Mỹ mới chỉ rơi vào suy thoái kỹ thuật (2 quý liên tiếp tăng trưởng âm), hay suy thoái thực sự, nhiều chuyên gia nhận định, tại hội nghị sắp tới, Chủ tịch Fed có thể vẫn sẽ lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, đồng thời dự báo lạm phát có thể đã đạt đỉnh.

Tuy nhiên, dù ông Powell không đưa ra mức tăng lãi suất cụ thể trong các cuộc họp sắp tới, nhưng người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục khẳng định tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Theo đó, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 9 tới trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh và những lo lắng về kinh tế suy thoái ngày càng gia tăng, theo các nhà kinh tế do hãng tin Reuters (Anh) thăm dò ý kiến.

Việc Chủ tịch Fed bật tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất tại hội nghị này có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến giá vàng.

Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích của Kinesis Money cho biết: “Theo quan điểm kỹ thuật, các mức quan trọng tiếp theo cần theo dõi đối với vàng là 1.720 USD và 1.680 USD, đồng thời, lợi tức trên trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ phục hồi, làm gia tăng áp lực lên vàng”.

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Đồng USD đạt mức cao mới trong 5 tuần, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ông Clifford Bennett, Trưởng bộ phận chuyên gia kinh tế của công ty tài chính ACY Securities (Mỹ), cho biết: "Sự phục hồi của đồng USD chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường vàng, nhưng nó phù hợp hơn với việc bán tháo đồng thời diễn ra trên thị trường trái phiếu, chứng khoán và tiền tệ".

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán