Theo đó, 94,2 triệu cổ phiếu PVP chính thức giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu là 10.350 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 976 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 18/5/2010, Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương đã trở thành công ty đại chúng. Đến ngày 20/12/2016, Công ty chính thức giao dịch cổ phiếu trên UpCOM và lấy mã chứng khoán là PVP, giá tham chiếu 11.000 đồng/cp. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM ngày 6/1/2023, PVP có giá 12.900 đồng/cp, tăng 17% so với giá tham chiếu ngày đầu. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần đây đạt 303.735 đơn vị/phiên.
Mở đầu phiên giao dịch niêm yết trên HOSE, cổ phiếu PVP đang tăng hết biên độ (19,92%) lên 12.400 đồng/cp. Hình minh họa |
Theo tìm hiểu, PVP được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng Công ty CP Tài chính Dầu khí (PVFC), Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB). Công ty hoạt động từ ngày 28/1/2008 và hiện có vốn điều lệ 942,75 tỷ đồng.
Hiện, cổ đông lớn nhất của PVP là Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVT) đang nắm giữ 61,2 triệu cổ phiếu, tương đương 64,9% vốn điều lệ.
Trong đó, kinh doanh vận tải dầu thô là mảng kinh doanh chính và quan trọng nhất của Công ty. PVP đang là nhà cung cấp duy nhất vận chuyển toàn bộ dầu thô đầu vào từ mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác tại Việt Nam về nhà máy lọc dầu Dung Quất với khối lượng từ 5 - 7 triệu tấn/năm.
Ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc PVP chia sẻ, PVTrans Pacific giao dịch cổ phiếu tại HOSE là sự kiện đặc biệt, đánh dấu hành trình mới của Công ty. Đồng thời, đây là cơ hội để các nhà đầu tư chiến lược có chung tầm nhìn đưa Công ty bứt phá, tăng trưởng, mở rộng kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển bền vững.
“Pacific tin tưởng về uy tín, năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị của Công ty cùng lợi thế của HOSE sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng, mở ra triển vọng mới cho cổ phiếu Pacific, đưa Công ty bứt phá tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, lợi ích của cổ đông, khách hàng và đối tác sẽ không ngừng được gia tăng; đồng thời đóng góp vào sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng và kinh tế đất nước nói chung”, ông Chính bày tỏ.
Theo dự báo, năm 2023 sẽ là năm thị trường phục hồi và khởi sắc do nhu cầu năng lượng phục vụ đi lại, sản xuất vẫn tăng trưởng. Pacific là doanh nghiệp đã và đang tham gia trực tiếp kinh doanh khai thác tàu biển trên thị trường quốc tế, tỷ trọng về doanh thu và lợi nhuận từ thị trường quốc tế lớn. Vậy nên, khi các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu hồi phục và tăng trưởng ổn định trở lại sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Ban lãnh đạo cho biết, Công ty sẽ luôn chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh, nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Trong năm 2022, PVTrans Pacific ước đạt doanh thu đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 30,2% và lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2021. Tại ĐHĐCĐ năm 2022, PVP đã nhất trí thông qua mục tiêu doanh thu đạt 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả ước tính trên, PVP đã vượt 11,7% chỉ tiêu doanh thu và 17% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Bước sang năm 2023, Công ty tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.945 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 237 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20,1% và 17,9% so với ước tính thực hiện trong năm 2022. Những con số này phần nào đã thể hiện sự tin tưởng của Công ty vào định hướng, chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ phát triển ngành vận tải biển theo hướng hiện đại hóa, chất lượng ngày càng cao song chi phí hợp lý - mục tiêu chiến lược cũng là lợi thế rất lớn của PVP.
Mở đầu phiên giao dịch niêm yết trên HOSE, cổ phiếu PVP đang tăng hết biên độ (19,92%) lên 12.400 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, PVP ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 533 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 176 tỷ đồng, tăng 372% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý III/2022 tăng cao hơn so với cùng kỳ là do hoạt động thương mại và lợi nhuận từ việc thanh lý tàu PVT Athena. Ngoài ra, các yếu tố chênh lệch tỷ giá, trích trước chi phí sửa chữa lớn đội tàu trong 9 tháng năm 2022 cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, PVP ghi nhận doanh thu đạt hơn 961 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 207 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng tài sản của PVP đạt hơn 2.612 tỷ đồng, tăng 13,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 70,4%, đạt hơn 661 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 44%, lên hơn 656 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến thời điểm này của doanh nghiệp là hơn 970 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm, chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng 71%. Riêng vay nợ ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 206 tỷ đồng và hơn 253 tỷ đồng.
Khánh Vân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|