Vận tải biển gặp “sóng dữ”, “ông trùm” VIMC báo lãi quý II giảm 48%

(Banker.vn) Báo cáo tài chính quý II/2023 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty CP (VIMC, UPCoM: MVN) cho thấy, doanh nghiệp này cũng không nằm ngoài “cơn sóng dữ” của thị trường vận tải biển, với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt “đi lùi”.
Vận tải biển gặp “sóng dữ”, “ông trùm” VIMC báo lãi quý II giảm 48%
"Ông trùm" vận tải biển báo lãi quý II/2023 giảm 48%

Cụ thể, doanh thu thuần của VIMC giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.363 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ giảm nhẹ 2% khiến lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, ở mức 42%, xuống còn 717 tỷ đồng.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính kỳ này của VIMC vẫn còn những điểm sáng ở các chỉ tiêu khác. Cụ thể, doanh thu tài chính đạt 197 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Lãi từ liên doanh, liên kết cũng tăng tới 34%, lên mức 53 tỷ đồng.

Trong khi đó, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với cùng kỳ, lần lượt ở các mức 19%, 12% và 25%.

Kết quả, VIMC ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II đạt 635 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm 48%, xuống mức 511 tỷ đồng.

Vận tải biển gặp “sóng dữ”, “ông trùm” VIMC báo lãi quý II giảm 48%
Doanh thu và lợi nhuận của VIMC "đi lùi" so với quý II/2022

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VIMC đạt 6.213 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm trước. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm 46%, lần lượt đạt 1.120 tỷ đồng và 907 tỷ đồng.

Được biết, trong bối cảnh nguồn thu chính từ khối vận tải biển sụt giảm, VIMC đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 một cách thận trọng với các chỉ tiêu thấp hơn so với mức thực hiện năm 2022. Cụ thể, doanh nghiệp này dự kiến doanh thu đạt 13.354 tỷ đồng (bằng 87% so với năm 2022), lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng (bằng 76% so với thực hiện năm 2022).

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, VIMC đã thực hiện được 47% mục tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận.

Kết quả này cho thấy, VIMC đang bám sát tiến độ kinh doanh đặt ra. Mặt khác cũng cho thấy tính thực tiễn của kế hoạch. Trước đó, khi công bố kế hoạch kinh doanh này, ban lãnh đạo VIMC đã chỉ ra rằng, doanh thu sẽ giảm mạnh ở khối vận tải biển do nhu cầu vận chuyển giảm, lượng đóng tàu mới xuất xưởng nhiều và giá dầu biến động.

Đáng nói, điều này được thể hiện khá rõ ràng trên thuyết minh báo cáo tài chính của VIMC. Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất là hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất khi “đi lùi” 20% so với cùng kỳ, về còn 3.040 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động vận tải cũng giảm 11%, xuống mức 2.611 tỷ đồng.

Vận tải biển gặp “sóng dữ”, “ông trùm” VIMC báo lãi quý II giảm 48%
Cơ cấu doanh thu của VIMC

Tính tới ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VIMC đạt 27.840 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm 1/3 với hơn 9.100 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền đạt 2.393 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi ngân hàng (1.532 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ở các khoản đầu tư tài chính ngắn, doanh nghiệp này cũng ghi nhận có 5.774 tỷ đồng gửi ngân hàng. Như vậy, tổng số tiền VIMC gửi ngân hàng lên tới hơn 7.300 tỷ đồng.

Vận tải biển gặp “sóng dữ”, “ông trùm” VIMC báo lãi quý II giảm 48%
Cơ cấu nợ vay của VIMC

Liên quan đến các khoản đầu tư dài hạn của VIMC, “ông trùm” vận tải biển cũng đang rót 1.958 tỷ đồng đầu tư vào 45 công ty liên doanh, liên kết, đơn vị khác. Tuy nhiên, theo thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4, năm nay, VIMC sẽ thoái vốn tại ba doanh nghiệp gồm: Công ty CP Vận tải Biển Hải Hải Âu (26,46% vốn); Công ty CP Hàng hải Sài Gòn (10,15% vốn); Công ty TNHH Vận tải Hàng công nghệ cao (56% vốn) với tổng giá trị dự kiến thu về là hơn 43 tỷ đồng.

Kết thúc nửa đầu năm 2023, tổng nợ phải trả của VIMC tăng 3%, lên mức 13.240 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 3.386 tỷ đồng, gồm 1.715 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và 1.671 tỷ đồng tiền vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Các khoản này do VIMC vay từ các ngân hàng, vay ODA và vay từ các tổ chức tài chính.

Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là gần 14.600 tỷ đồng, trong đó quỹ đầu tư phát triển là 2.154 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn đang lỗ lũy kế 814 tỷ đồng nhưng đã cải thiện so với mức lỗ gần 644 tỷ đồng ngày đầu năm. Số lỗ lũy kế này là những hệ lụy của thập kỉ trước như mua nhiều tàu cũ, để xảy ra nhiều vụ bắt tàu gây thiệt hại lớn, đầu tư xây dựng vội vàng - ngoài quy hoạch và đầu tư tài chính sai nguyên tắc...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán