Vận hành hệ thống điện tuần thứ 10: Huy động cao nhiệt điện than và năng lượng tái tạo

(Banker.vn) Cục Điều tiết Điện lực cho biết, trong tuần thứ 10 từ 4-10/3, đã huy động cao nguồn nhiệt điện than và năng lượng tái tạo để tiết kiệm nước cho thuỷ điện.
Khuyến khích doanh nghiệp Australia đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên: Năng lượng tái tạo đạt hơn 13.000MW, chiếm gần 60% cả nước Thúc đẩy các dự án mang tính nền tảng cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo

Đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế

Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, trong tuần thứ 10 năm 2024, phụ tải quốc gia có sản lượng trung bình ngày là 818,9 triệu kWh (tr.kWh), cao hơn so với tuần trước khoảng 13,2 tr.kWh (tương đương với phương thức tháng 3/2024). Trong đó, phụ tải miền Bắc ghi nhận đạt 358.8 tr.kWh, miền Trung 75.8 tr.kWh, miền Nam 384.28 tr.kWh.

Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải điện quốc gia tăng trưởng khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể phụ tải miền Bắc tăng 9,9%, miền Nam 12,7%, miền Trung là 8,3%.

Công suất cực đại trong tuần đạt 43.045,9 MW, cao hơn 858,1 MW so với tuần trước. Như vậy, công suất cực đại trong tuần đạt giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay và lớn hơn so với công suất cực đại từ đầu năm 2023 đến 10/3/2023 4.293 MW (Pmax giai đoạn từ đầu năm 2023 đến 10/3/2023 đạt 38.753 MW).

Luỹ kế sản lượng phụ tải điện quốc gia từ đầu tháng 3 đến nay đạt 8.089 tr.kWh, từ đầu năm đến nay đạt 51.800 tr.kWh.

Mặc dù phụ tải tăng nhưng hệ thống điện vận hành an toàn, công tác cung cấp điện trong tuần tiếp tục được đảm bảo tốt, đảm bảo đủ nhu cầu điện cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của nhân dân.

Tiết kiệm triệt để nước thuỷ điện

Tại miền Bắc, đã thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện, nhất là các hồ có mực nước thấp, đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để huy động các nhà máy thuỷ điện phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi đồng thời giữ nước cho phát điện nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024.

Từ ngày 18/02/2024, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã triển khai giải pháp đặt các ràng buộc trong công tác lập lịch nhằm khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than miền Bắc và truyền tải trên các cung đoạn đường dây 500kV Trung - Bắc, cung đoạn đường dây 500kV Hà Tĩnh - Nghi Sơn 2 - Nho Quan với mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện miền Bắc.

Từ 9h00 ngày 08/03/2024, A0 tiếp tục triển khai giải pháp đặt ràng buộc tối đa nhiệt điện than và tuabin khí để tiết kiệm hơn nữa các nguồn thủy điện, đặc biệt trong các chu kỳ không có yêu cầu cấp nước hạ du, tránh can thiệp trực tiếp thủy điện.

Đồng thời, tận dụng khả năng truyền tải để tiết kiệm thủy điện miền Bắc. Theo đó, truyền tải điện trên cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 37,7÷44,3 tr.kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.480 MW.

Tại khu vực miền Trung và miền Nam, đã huy động các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.

Theo thống kê về thuỷ văn cho thấy, từ đầu tháng 3 đến nay, tình hình nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc có lưu lượng thấp, chỉ đạt khoảng 24 – 91% trung bình nhiều năm (TBNN), trừ hồ Thác Bà có nước về đạt 111% cao hơn TBNN.

Miền Trung có 16/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với TBNN (từ 16-95% TBNN) 11/27 hồ có nước về tốt (từ 101-223% TBNN), một số hồ có nước về rất tốt như A Lưới, Đak Re, Đak Đrinh, Sông Hinh.

Miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2, Hàm Thuận và Đa Nhim có nước về cao hơn TBNN, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với TBNN (từ 24-87% TBNN).

Tính toán theo nước về bao gồm cả thuỷ điện nhỏ, sản lượng điện quy đổi các ngày trong tuần trung bình đạt khoảng 70.7 tr.kWh/ngày.

So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống cao hơn 2.939,2 tr.kWh (miền Bắc cao hơn 2.333 tr.kWh, miền Trung cao hơn 180,1 tr.kWh, miền Nam cao hơn 426,1 tr.kWh).

Trong tuần thứ 10, sản lượng trung bình ngày của thuỷ điện được huy động khoảng 103,5 tr.kWh (thấp hơn 22 tr.kWh so với kế hoạch tháng 3).

Vận hành hệ thống điện tuần thứ 10: Huy động cao nhiệt điện than và năng lượng tái tạo
Huy động cao nguồn nhiệt điện và năng lượng tái tạo

Huy động cao nguồn nhiệt điện than và năng lượng tái tạo

Thống kê cho thấy, sản lượng trung bình ngày trong tuần của nhiệt điện than đạt khoảng 509,8 tr.kWh (cao hơn 10,3 tr.kWh so với kế hoạch tháng 3). Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than. Tuy nhiên, từ 09/03/2024 nhà máy điện Duyên Hải 3 & Duyên Hải mở rộng chào suy giảm công suất trong các chu kỳ không phải cao điểm để tiết kiệm than nhằm duy trì lượng tồn kho tối thiểu.

Đối với nhà máy điện BOT Vân Phong 1 (vận hành thương mại từ ngày 24/01/2024) được huy động theo nhu cầu hệ thống và để đảm bảo bao tiêu quy định trong hợp đồng mua bán điện.

Loại nguồn điện được huy động cao trong tuần là năng lượng tái tạo với sản lượng trung bình ngày đạt 118,3 tr.kWh (cao hơn 7.5 tr.kWh so với kế hoạch tháng 3), trong đó nguồn gió là 36.5 tr.kWh (cao hơn 7.2 tr.kWh so với kế hoạch tháng 3). Nguồn điện này được huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.

Đối với nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp, A0 đã lập lịch, điều độ ưu tiên huy động một phần (tổ máy, tua-bin gió, line mặt trời/gió) hoặc toàn bộ nhà máy điện đang trong quá trình thí nghiệm trước khi được công nhận ngày vận hành thương mại để sớm hoàn thành các thủ tục đưa vào vận hành đáp ứng nhu câu hệ thống.

Tính đến nay, 62 dự án với tổng công suất 3.399,41 MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm và đã được duyệt giá điện 50%, trong đó 62 dự án đã ký PPA; 09 dự án (~397,4 MW) đang thực hiện các thử nghiệm; 34 dự án (~1.914,145 MW) đã hoàn thành các thử nghiệm (AGC, P/Q, tin cậy); 24 dự án đã đưa vào vận hành (1.307,62 MW).

Sản lượng thực hiện từ đầu tháng 3 đến nay đạt 1.271 tr.kWh, luỹ kế từ đầu năm 2024 đạt 8.698 tr.kWh.

Đối với nhiệt điện khí, sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 80,5 tr.kWh (cao hơn 13,4 tr.kWh so với kế hoạch tháng 3). Các tổ máy huy động theo nhu cầu hệ thống, đảm bảo các ràng buộc chống quá tải lưới điện, chất lượng điện áp và an toàn cho hệ thống cấp khí.

Riêng Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 đã đảm bảo bao tiêu năm 2023 và thực hiện chuyển giao cho Việt Nam từ 0h ngày 01/03/2024. Sau thời điểm chuyển giao, tiếp tục huy động 1-2 tổ máy GT và khả năng cấp khí. Tuy nhiên đến 15h49 ngày 03/03/2024 đã ngừng hoàn toàn cả nhà máy do thiếu khí.

Như vậy trong tuần thứ 10 năm 2024, tỷ lệ huy động nguồn điện cao nhất là nhiệt điện than (509,8 tr.kWh/ngày); tiếp đến là năng lượng tái tạo (118,3 tr.kWh/ngày); thuỷ điện huy động khoảng 103,5 tr.kWh/ngày và sau cùng là nhiệt điện khí đạt khoảng 80,5 tr.kWh/ngày.

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục