Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động báo chí hiện nay

(Banker.vn) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Báo chí Cách mạng Việt Nam và trở thành một nhà báo xuất sắc. Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo cách mạng.
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ những người làm công tác báo chí của Báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng vận dụng và phát huy những giá trị cơ bản, cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, chất lượng tác phẩm báo chí; xây dựng nền báo chí nước nhà phát triển theo đúng định hướng, hiện đại và chuyên nghiệp, bắt nhịp xu thế hội nhập quốc tế. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Báo chí Cách mạng Việt Nam và trở thành một nhà báo xuất sắc. Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo, gây dựng, dìu dắt, rèn luyện đội ngũ những người làm báo và để lại một di sản báo chí vô cùng quý báu với hệ thống tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sâu sắc về thực tiễn, lí luận nghiệp vụ báo chí cách mạng với rất nhiều tác phẩm báo chí mẫu mực.
 
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm báo cách mạng
 
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm báo cũng là làm cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người luôn gắn liền với hoạt động báo chí. Theo đó, người làm báo cách mạng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người làm báo cách mạng phải có lập trường kiên định, vững vàng, luôn gắn bó Nhân dân; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lí luận, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để có đủ năng lực, kinh nghiệm làm việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Báo chí có nhiệm vụ cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Chính vì thế, người hoạt động báo chí phải là người tham gia hoạt động chính trị - xã hội, nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận. Đối với mỗi nhà báo, lập trường chính trị vững vàng là tiêu chuẩn trước tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người làm báo “phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản...”. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”. Cũng tại Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, người làm báo cách mạng phải luôn gắn bó với quần chúng nhân dân, mọi hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí đều phải mang tính thiết thực, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hơn hết là phục vụ quần chúng nhân dân. Người sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh cách mạng. Người làm báo cần xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin trước khi cầm bút viết; nếu đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng thì văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát”. Theo Người, ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu thì nhà báo phải học cách nói của quần chúng, phải thực sự học quần chúng. Sự trong sáng, giản dị, dễ hiểu bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo về bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc, trong cách cảm, cách nghĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những am hiểu ngôn từ của nhiều dân tộc mà còn là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Người nhấn mạnh: “Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu”. Bởi vì, với đối tượng là quần chúng và mục đích là vì nhiệm vụ cách mạng, thì tính phổ thông, dễ hiểu là cách giao tiếp chủ yếu, công việc đó là để phục vụ đại bộ phận quần chúng nhân dân.


Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sáng lập ra Báo chí Cách mạng Việt Nam và trở thành một nhà báo xuất sắc (Nguồn ảnh: Internet)

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, người làm báo cách mạng phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội. Người coi tính trung thực của nhà báo là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí, đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỉ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Người căn dặn: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”. Báo chí phải phản ánh đúng những ý kiến xây dựng của Nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước; báo chí phải chống nạn tham ô, tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Báo chí phải đem đến cho công chúng niềm tin vào sự thật, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng của Nhân dân. Người làm báo cách mạng không những phải làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một người cách mạng mà còn phải gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm đối với xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo cách mạng nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khiêm tốn, cầu tiến bộ. Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”; cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng; “mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Làm báo cũng vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, nhà báo, phóng viên các báo, đài phải luôn luôn có thái độ cầu thị, nghiêm túc, trung thực trong tự phê bình và phê bình. Người đã từng viết: “Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người trước hết là mọi cán bộ, đảng viên, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được”. Khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (tháng 6/1968) về việc xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Người nhắc nhở: “... Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: “Hoan nghênh bạn đọc phê bình”. Người căn dặn: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo: - Bài báo thường quá dài… thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tiêu chuẩn đạo đức là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của nhà báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Đạo đức báo chí không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của Luật Báo chí hiện hành, mà còn là ý thức, trách nhiệm và phương châm hành nghề của tất cả những người làm báo cách mạng. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “...để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”. Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo”. Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó, phải có đạo đức tốt đẹp, trong sáng, sống lành mạnh, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
 
Người làm báo thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 99 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đội ngũ những người làm báo ngày càng được nâng lên về số lượng cũng như chất lượng với hàng trăm cơ quan báo chí, đa dạng về ấn phẩm, nội dung thông tin ngày càng hấp dẫn, sinh động, phong phú, phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện những vấn đề trong và ngoài nước, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; tuyên truyền, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả; đấu tranh, phê phán những cái sai, cái xấu, nhân tố tiêu cực, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong suốt quá trình hoạt động của Báo chí Cách mạng Việt Nam, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí hiệu quả cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển như vũ bão với nhiều phương thức truyền tải nhanh chóng đến với hầu hết người dân trên thế giới, thì những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi đối với những người làm báo. Nội dung thông tin vẫn là yếu tố giữ chân người đọc, tác động đến nhận thức, làm thay đổi hành vi công chúng.

Thực tế cho thấy, việc cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí, giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội đang diễn ra khốc liệt, cùng với sự thúc đẩy của khoa học công nghệ. Điều này dẫn đến nhiều nhà báo chỉ chăm chú hướng tới việc làm thế nào để thông tin nhanh nhất, trước nhất mà quên mất vấn đề nội dung thông tin mới là cốt lõi, quyết định hiệu quả của truyền thông; do đó, đã xuất hiện nhiều sản phẩm báo chí có nội dung cẩu thả, thông tin chưa qua kiểm chứng, xác minh hoặc thông tin mang tính giật gân, gây sốc để tăng lượng tương tác, tạo ra ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Hơn hết, Báo chí Cách mạng Việt Nam cần tiếp tục vận dụng và thực hiện tốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động báo chí, xem mục đích và nội dung thông tin là cốt lõi, mang tính quyết định; đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi theo sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin, làm chậm cơ hội chiếm lĩnh thông tin.

Để khắc phục tình trạng đó, xây dựng báo chí cách mạng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội và là diễn đàn của Nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội, là cầu nối “ý Đảng với lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần tích cực trau dồi, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghiệp vụ, phong cách làm báo... cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần nâng cao tinh thần học tập tính trung thực trong tác nghiệp báo chí. Đây là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nền tảng của người làm báo, nên đòi hỏi khi viết báo phải trung thực, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những sự kiện “giật gân” để câu khách, “xào xáo” những thông tin có sẵn để viết bài. Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan, cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực về sự kiện và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận. Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, báo chí phải bám sát cơ sở, thực tiễn, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân; thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; có quan điểm đúng, sai rõ ràng, không thổi phồng thành tích cũng như phản ánh không đúng mức những khó khăn, khuyết điểm của cá nhân, tập thể…

Thứ hai, đề cao tính chiến đấu, tính định hướng trong từng bài báo. Tính chiến đấu là đặc trưng nổi bật trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Theo đó, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên người viết báo phải thể hiện rõ sự ủng hộ hay phản biện đối với vấn đề, sự kiện mà mình đang phản ánh. Với tinh thần đó, ngày nay, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, giai cấp công nhân, lí tưởng xã hội chủ nghĩa, giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; đồng thời, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích của dân tộc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong đời sống, xã hội.

Thứ ba, học tập cách viết ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đặc trưng phong cách báo chí của Người, nên đối với những người làm báo phải học cách viết sao cho lối hành văn ngắn gọn, cô đọng, súc tích, có sức thuyết phục cao. Để làm được điều đó, bên cạnh việc học tập, đào tạo cơ bản, mỗi nhà báo, nhất là những người mới vào nghề cần phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là phải tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc. Tuy nhiên, để viết một bài ngắn, đủ nội dung cần truyền tải không dễ chút nào, đòi hỏi người viết phải “lao tâm, khổ tứ”, có sự đầu tư nghiên cứu kĩ lưỡng, thu thập thông tin đầy đủ, tham khảo ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, cẩn thận, tỉ mỉ; đồng thời, am hiểu sâu sắc nội dung, lập đề cương rõ ràng, mạch lạc, sắp xếp sự kiện, con số khoa học, chặt chẽ và phải kiên trì rèn luyện cách viết ngắn.

Thứ tư, xác định đúng đối tượng, mục đích viết. Học tập phong cách báo chí Hồ Chí Minh trong quá trình tác nghiệp, nhà báo phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích, nắm bắt được trình độ, tâm tư, nguyện vọng của độc giả, để xác định đúng nội dung, hình thức thể hiện, cách diễn đạt tối ưu, phù hợp với lối sống, trình độ học vấn, kiến thức, truyền thống văn hóa cũng như yêu cầu, đặc điểm riêng của từng đối tượng. Cùng với đó, xác định đúng mục đích của bài viết là “Để tuyên truyền, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Những nhà báo cách mạng là những người làm báo của Đảng, của Nhân dân. Trong quá trình tác nghiệp báo chí phải đặt lợi ích của Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Báo chí không thể tách rời các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, do đó khi viết phải đi sâu vào quần chúng, độc giả; điều tra, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng để trang bị cho mình chất liệu phong phú trong quá trình tác nghiệp. Xác định đúng đối tượng, mục đích cũng là biện pháp khắc phục được tình trạng “thương mại hóa”, vì lợi ích kinh tế tầm thường mà bỏ qua giá trị tốt đẹp, chức năng cơ bản của báo chí; tránh tạo ra những sản phẩm tiêu cực, gây dư luận nhiều chiều, ảnh hưởng đến sự đồng thuận xã hội và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ.

Vận dụng tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo. Thực hiện tốt điều đó, không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, đưa sự nghiệp báo chí nước nhà phát triển tương đồng với báo chí quốc tế trong quá trình hội nhập, mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo cách mạng vĩ đại và là người thầy vĩ đại của Nhân dân Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:


1. Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn, Cục Xuất bản, Hà Nội, 1995.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2005.
 
Hà Lam
Tạp chí Ngân hàng
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục