Vấn đề người tiêu dùng thế giới phải đối mặt do lạm phát cao

(Banker.vn) Các nhà phân tích cho biết người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với gánh nặng tài chính do lạm phát và lãi suất cao trong suốt năm 2024 và hơn thế nữa, bất chấp những dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ vào cuối năm nay.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết: “Dự báo trung bình của SEP (tóm tắt các dự báo kinh tế) về tổng lạm phát chỉ số giá chi phí tiêu dùng cá nhân PCE là 3,3% trong năm nay, giảm xuống 2,5% vào năm tới và đạt 2% vào năm 2026.

“Nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như dự kiến, các thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận ra quyết sách của FED, dự đoán mức lãi suất quỹ liên bang phù hợp sẽ là 5,6% vào cuối năm nay, 5,1% vào cuối năm 2024 và 3,9% vào cuối năm 2025”, ông Powell nói.

Lãi suất liên tục tăng

Kỷ nguyên đại dịch Covid-19 với lãi suất gần bằng 0 và các đòn bẩy kích thích tài chính, tiền tệ đã kết thúc vào tháng 3 năm ngoái, khi lạm phát cao kỷ lục, khủng hoảng chuỗi cung ứng và chiến tranh ở Ukraine đã buộc FED và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Kể từ đó, FED đã tăng lãi suất 12 lần trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6% lên 3,67%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa qua đã tăng lãi suất ở khu vực đồng Euro lên mức kỷ lục 4% nhưng cho biết đây có thể là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ ​​10 lần tăng trong 14 tháng qua.

Vào ngày 21/9, Ngân hàng Anh đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%, chấm dứt chu kỳ 14 lần tăng liên tiếp sau khi chỉ số lạm phát của Anh bất ngờ giảm xuống 6,8% trong tháng 8.

Kể từ tháng 3/2021, các ngân hàng trung ương của UAE, Ả Rập Saudi, Bahrain và Kuwait cũng đã tăng lãi suất cơ bản tương tự Mỹ.

Hầu hết các ngân hàng Trung ương ở các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đều tuân theo động thái của FED về các lãi suất chủ chốt do đồng tiền của họ được neo với đồng USD, ngoại trừ Kuwait, nơi đồng Dinar được neo vào một rổ tiền tệ.

Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate, cho biết: “Giá tiếp tục tăng trong thời gian dài dường như là mệnh lệnh của FED và trong khi lạm phát đang giảm, giá vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng - dù ở tốc độ chậm hơn”.

“Tác động tích lũy đối với người tiêu dùng là rất đáng kể: lạm phát thấp hơn không có nghĩa là giá sẽ quay trở lại mức năm 2019. Nói chung, chúng sẽ tiếp tục tăng lên, chỉ với tốc độ chậm hơn thôi.”

Lãi suất cao hơn có nghĩa là một loạt các sản phẩm tài chính cá nhân – từ khoản vay đến thẻ tín dụng, thế chấp và tiết kiệm – bị ảnh hưởng và việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn.

Các chuyên gia cho biết, tác động tiền tệ của lãi suất cao hơn và lạm phát đối với ngân sách hộ gia đình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng hiểu biết về tài chính, như lập ngân sách và có quỹ khẩn cấp, để bảo vệ trước giá cả tăng cao, mất việc làm, giảm lương và các cú sốc tài chính khác.

Ở đây, chúng ta xem xét lý do tại sao các hộ gia đình sẽ tiếp tục cảm thấy khó khăn khi lạm phát giảm bớt trong bối cảnh chu kỳ tăng lãi suất có thể kết thúc.

UAE – kiểm soát giá để kiểm soát lạm phát

Cuối tháng 9, Ngân hàng Trung ương UAE duy trì lãi suất cơ bản cho cơ sở tiền gửi qua đêm ở mức 5,4% sau khi FED tạm dừng thắt chặt tiền tệ lần thứ hai trong năm nay.

Cơ quan quản lý cho biết, họ cũng duy trì tỷ lệ cho việc vay thanh khoản ngắn hạn từ cơ quan quản lý thông qua tất cả các cơ sở tín dụng thường trực ở mức cao hơn 50 điểm cơ bản so với lãi suất cơ bản.

Lạm phát ở UAE - do giá năng lượng tăng, lạm phát nhập khẩu và việc làm tăng - là 4,8% vào năm 2022 và được dự đoán lần lượt là 3,1% và 2,6% vào năm 2023 và 2024 (dự báo với giá năng lượng và lương thực thấp hơn), theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát toàn cầu là 8,7% vào năm 2022.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 6,8% trong năm nay và 5,2% vào năm 2024. Con số này vẫn cao hơn mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương.

Một số mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, trứng, sữa tươi, gạo, đường, thịt gia cầm, bánh mì, bột mì, chất tẩy rửa, đậu lăng, đậu gà và đậu xanh vẫn phải chịu sự kiểm soát giá do chính phủ UAE áp đặt .

Các siêu thị cũng phải được sự cho phép trước khi tăng giá cũng là một phần trong chiến lược kiểm soát lạm phát.

Trong khi chi phí đi vay để thế chấp, cho vay và thẻ tín dụng tăng lên cùng với việc tăng lãi suất, các ngân hàng lại chậm trễ trong việc ưu tiên lợi ích của người gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, các ngân hàng kỹ thuật số và nền tảng quản lý tài sản tại UAE hiện đang cung cấp cho người gửi tiết kiệm mức lãi suất cao hơn, chẳng hạn như Công ty Sarwa đã cho ra mắt tài khoản tiền mặt với lãi suất 3% hàng năm để giúp khách hàng tăng khả năng tiết kiệm.

Công ty quản lý tài sản kỹ thuật số StashAway cũng đã nâng tỷ suất lợi nhuận trên danh mục quản lý tiền mặt lên 4% trong tháng 2. Ngân hàng kỹ thuật số Wio có trụ sở tại Abu Dhabi đã mở rộng dịch vụ cho khách hàng bán lẻ và đang cung cấp cho khách hàng gói Plus mức lãi suất khuyến mại 6% mỗi năm.

Vijay Valecha, Giám đốc đầu tư của Century Financial Dubai, cho biết: “Khả năng sinh lời của các ngân hàng phụ thuộc vào sự khác biệt giữa số tiền họ tính cho người đi vay và số tiền họ trả cho người gửi tiền”.

“Nếu FED quyết định từ bỏ việc tăng lãi suất… có khả năng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ chậm lại.”

Mỹ - số dư thẻ tín dụng ở mức cao kỷ lục

Người tiêu dùng Mỹ có thể đã thở phào nhẹ nhõm sau khi FED quyết định tạm dừng tăng lãi suất, nhưng áp lực lên tài chính cá nhân của họ sẽ vẫn tiếp tục.

Theo Cục Phân tích Kinh tế, trong khi chi tiêu của người tiêu dùng tương đối lớn trong năm nay, tiết kiệm cá nhân ở Mỹ tính theo thu nhập khả dụng đã giảm mạnh xuống 3,5% trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

"Khoản tiết kiệm mà người tiêu dùng tích lũy do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 ít nhiều đã cạn kiệt và điều chỉnh theo lạm phát, tăng trưởng tiền lương đang chậm lại. Dữ liệu thẻ tín dụng mới nhất cho thấy tình trạng vỡ nợ đang gia tăng,” Bill Papadakis, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Ngân hàng tư nhân Lombard Odier Thụy Sĩ, cho biết.

Theo Giám đốc đầu tư Vijay Valecha, thẻ tín dụng thường có lãi suất thay đổi trên 20% ở Mỹ, lãi suất này có liên quan trực tiếp đến lãi suất chuẩn của FED.

Ông nói: “Khoảng thời gian mà lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trước khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc, vì đây là điều sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong một thời gian dài, đặc biệt là lãi suất đi vay và chi tiêu”.

Nhà phân tích Rossman cho biết số dư thẻ tín dụng và lãi suất đang ở mức cao kỷ lục ở Mỹ, trong khi lãi suất thế chấp đang ở mức cao nhất trong 23 năm và lãi suất cho vay mua ô tô đang ở mức cao nhất trong 15 năm.

Ông Rossman khuyến nghị nên thanh toán hết số dư thẻ tín dụng hàng tháng để tránh khoản nợ ngày càng tăng do lãi suất kép.

Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng không đủ khả năng thanh toán toàn bộ số tiền cùng một lúc, họ có thể đăng ký ưu đãi chuyển khoản số dư 0% và thanh toán theo cách đó.

Ông cũng cho biết người tiêu dùng có thể tìm kiếm lời khuyên từ một cơ quan tư vấn tín dụng phi lợi nhuận có uy tín nếu họ đang gặp khó khăn với nợ nần hoặc có thể cân nhắc việc làm thêm để tăng thu nhập.

Ông Rossman nói: “Hãy làm những gì bạn cần làm để trả khoản nợ này nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhất có thể”.

Vương quốc Anh — lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao

Người tiêu dùng ở Anh cảm nhận sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt so với nhiều nền kinh tế phát triển khác do một loạt cú sốc tài chính bao gồm Brexit, đại dịch Covid-19, chiến tranh ở Ukraine, bất ổn chính trị và "ngân sách nhỏ" thảm họa của Bộ trưởng Kwasi Kwarteng đã gây ra sự hỗn loạn kinh tế vào năm 2022.

Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết, tháng 10 năm ngoái, lạm phát ở Anh đạt mức cao nhất trong 41 năm là 11,1%, do giá cả tăng trên diện rộng, bao gồm cả giá nhiên liệu, điện và thực phẩm.

Tỷ lệ lạm phát đã giảm bớt kể từ mức đỉnh điểm vào năm ngoái. Mới đây, Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết lạm phát đã giảm xuống 6,7% trong tháng 8 mặc dù giá xăng tăng.

“Việc tài chính hộ gia đình có cải thiện vào năm 2024 hay không phụ thuộc vào việc các ngân hàng trung ương kiềm chế giá cả tăng như thế nào và lãi suất sẽ giảm trong bao lâu.”

Một điều đáng mừng cho các hộ gia đình ở Anh là lãi suất tiết kiệm đã tăng vọt khi các ngân hàng đang đua nhau tìm kiếm hoạt động kinh doanh mới. Hiện tại, các ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất trung bình khoảng 5% một năm, trong khi tiền gửi có lãi suất cố định ở mức trung bình khoảng 6%.

Mới đây, Hiệp hội Xây dựng Toàn quốc Nationwide đã công bố một tài khoản tiết kiệm mới trả 8% mỗi năm – tỷ lệ được cho là cao nhất trên thị trường.

“Khách hàng có thể tiết kiệm tới £200 ($245) mỗi tháng trong tài khoản được quản lý trực tuyến, cho phép rút tối đa ba lần trong vòng 12 tháng sau khi mở tài khoản,” Nationwide cho biết.

Nhà phân tích tài chính Alice Haine khẳng định: “Lãi suất tiết kiệm cao hơn - cùng với tỷ lệ lương hưu hàng năm tốt hơn - là tin tốt duy nhất cho người tiêu dùng trong bối cảnh lãi suất cho vay và lạm phát cao này, chúng có thể giảm nhẹ nếu kỳ vọng về lãi suất trong tương lai bắt đầu giảm".

Nhà phân tích tài chính này gợi ý, những người tiết kiệm phải tập trung vào lợi nhuận thực tế và cố gắng đảm bảo rằng lãi suất họ kiếm được từ tiền gửi, nếu không "đánh bại" được lạm phát thì càng gần đạt được mục tiêu đó càng tốt.

“Ở Anh, tỷ lệ tiết kiệm tốt nhất vẫn còn cách xa việc mang lại lợi nhuận thực tế dương bằng cách đánh bại lạm phát - và vẫn còn phải xem liệu tỷ lệ lạm phát có giảm đáng kể dưới mức tiết kiệm hay không.”

Khu vực đồng euro - mức sống giảm

Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, lạm phát cơ bản tại 20 thành viên khu vực đồng euro đã giảm xuống 5,2% trong tháng 8, từ mức 5,3% trong tháng 7.

Tuy nhiên, lạm phát thay đổi tùy theo từng quốc gia trong khối tiền tệ chung. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, lạm phát giảm xuống còn 6,4% trong tháng 8, nhưng lại tăng lên 5,7% ở Pháp và 2,4% ở Tây Ban Nha trong cùng giai đoạn.

Cơ quan thống kê của EU cho biết lạm phát ở khu vực đồng euro đạt mức cao nhất trong 40 năm là 10,7% vào tháng 10 năm ngoái, do chi phí năng lượng tăng 41,9%, trong khi khối này rơi vào suy thoái trong ba tháng đầu năm nay.

Theo một cuộc khảo sát Eurobarometer của Nghị viện châu Âu được công bố vào tháng 1, chi phí sinh hoạt gia tăng là mối quan tâm cấp bách nhất đối với 93% người dân châu Âu.

Cuộc khảo sát cho biết gần một nửa dân số EU (46%) nói rằng mức sống của họ đã giảm do đại dịch Covid-19, hậu quả của cuộc chiến của Nga với Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola cho biết: “Mọi người lo lắng về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng là điều dễ hiểu khi ngày càng nhiều gia đình đang phải vật lộn để kiếm sống”.

“Bây giờ là lúc chúng ta phải kiểm soát các hóa đơn, đẩy lùi lạm phát và làm cho nền kinh tế phát triển hơn. Chúng ta cũng cần phải bảo vệ những người khó khăn nhất trong thời điểm này.”

Chi phí thực phẩm là mối quan tâm lớn của nhiều người châu Âu, khi chuỗi siêu thị Pháp Carrefour đã quyết định đặt các biển cảnh báo giá của một số sản phẩm trên lối đi của tất cả các gian hàng trên khắp đất nước.

Các biển cảnh báo giá của Carrefour đưa ra lời cảnh báo cho người tiêu dùng rằng: “Sản phẩm này đã giảm khối lượng/trọng lượng và mức giá thực tế do nhà cung cấp tính ra tăng lên”.

Stefen Bompais, Giám đốc truyền thông khách hàng tại Carrefour, nói với BBC: “Rõ ràng, mục đích của việc nêu đích danh những sản phẩm này là để có thể yêu cầu các nhà sản xuất suy nghĩ lại về chính sách giá của họ”.

Nhà phân tích cấp cao Rossman của Bankrate cho biết: “Nhận thức về cảnh báo giá là một điều thông minh mà người tiêu dùng nên làm - tôi chỉ ngạc nhiên khi một nhà bán lẻ lại là người thực hiện điều đó.”

Mai Chi

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục