Các diễn giả tại tọa đàm |
Nửa năm 2022 đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam, và cả những biến động trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng GDP tích cực, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, môi trường kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ. Riêng với thị trường chứng khoán (TTCK), sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa được hoàn thiện trên thị trường đã bộc lộ.
Song với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.
Đi cùng với hướng phục hồi của điểm số, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.
Tại toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi.
Nhận định về TTCK Việt Nam trong trung vào dài hạn, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn vững, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế được mở cửa trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua, đến nay đạt gần 5,7 triệu tài khoản và hiện mới chiếm khoảng 5% dân số cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý so với các thị trường trong khu vực.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong khó khăn, thách thức vẫn có nhiều cơ hội cho TTCK Việt Nam. Trên thực tế, kinh tế trong nước đang có sự phục hồi và lạm phát cơ bản được kiểm soát, đầu tư công và đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm. Cùng với đó, thể chế pháp luật đã được hoàn thiện ở mức độ tốt hơn.
“Trên TTCK, những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được UBCKNN Nhà bổ sung và đa dạng hóa. Thêm vào đó, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo có thể tăng từ 20% - 25% trong cả năm và chỉ thấp hơn mức 30%- 33% của năm ngoái. Vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư trên thị trường, nhưng nhà đầu tư phải xác định được khẩu vị rủi ro để có chiến lược phù hợp đồng thời tiếp cận theo hướng đa dạng hóa hơn với mức đòn bẩy tài chính hợp, đặc biệt là hạn chế tâm lý đám đông”, TS. Cấn Văn Lực đưa ra khuyến nghị.
Cũng tại toạ đàm, bà Tạ Thanh Bình khẳng định, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và định hướng tại Chiến lược Tài chính đến năm 2030, UBCKNN trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì công tác điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
“Trong môi trường có xu hướng lành mạnh hơn, minh bạch hơn với quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, thị trường vốn nói chung, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng có cơ sở để kỳ vọng phát triển bền vững. Và ở đó, các doanh nghiệp tốt chứng minh được uy tín và năng lực sẽ tự tin gọi vốn mà không nhất thiết phải sẵn có nhiều tài sản đảm bảo; nhà đầu tư được nắm bắt các cơ hội và được bảo vệ tốt hơn, bên cạnh năng lực sàng lọc và quản trị rủi ro của chính họ”, Phó chủ tịch VCCI Hoàn Quang Phòng nhấn mạnh.
Quỳnh Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|