Vẫn còn dư địa để giảm thêm lãi suất

(Banker.vn) Đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, các chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.

Chuyên gia từ Singapore: “Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất"

Tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 23/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông cáo về việc điều chỉnh giảm 0,5 điểm % một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5%/năm, áp dụng từ ngày 25/5/2023.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp NHNN điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành trong hơn 2 tháng qua. Trước đó, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4/2023, nhà điều hành cũng đã điều chỉnh một số loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

NHNN sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành trong quý III/2023
NHNN sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành trong quý III/2023. Ảnh minh họa

Nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, động cơ chính đằng sau là tăng trưởng kinh tế vẫn còn đang rất yếu.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 13,0%, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3%. Riêng tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, xuất khẩu giảm 16,2%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 11,5% (thấp hơn mức tăng của tháng 3, riêng bán lẻ hàng hoá chỉ tăng 9,7%). Rủi ro suy giảm sản xuất và xuất khẩu tiếp diễn khi PMI tháng 4/2023 giảm chỉ còn 46,7 điểm.

Ngoài ra, một số điểm thuận lợi cho quyết định của NHNN là lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như đã kết thúc.

Theo VDSC, tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất nên lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 20-50 điểm cơ bản.

Mặt khác, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng nên cơ chế truyền dẫn chính sách giảm lãi suất điều hành là không mạnh và mất thời gian mới có thể nhìn thấy kết quả.

Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 100 điểm cơ bản so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.

Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.

"Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chúng tôi kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan toả tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay", VDSC nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, các chuyên gia phân tích tại Maybank Investment Bank (MSVN) cũng cho rằng, Nhà điều hành sẽ hạ thêm 0,5-1% cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng trong bối cảnh tăng trưởng GDP gặp nhiều trở ngại dai dẳng. Tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% của chính phủ trong năm nay, với dự báo +5,5% của MSVN cũng sẽ có rủi ro nghiêng về chiều hướng giảm. Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, MSVN hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong ba tháng tới.

Rủi ro chính đối với dự báo của MSVN là áp lực tỷ giá tăng trở lại, điều này sẽ hạn chế khả năng hạ lãi suất của NHNN. Chênh lệch lãi suất với Mỹ đang thu hẹp do NHNN đã giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay trong khi Fed tăng 75 điểm cơ bản. Theo CME Fedwatch Tool, các thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng từ tháng 6 và chỉ nới lỏng trong tháng 11.

Nhóm phân tích Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây cũng cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và hiện tại cả hai lĩnh vực đều đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất.

Như vậy, việc giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.”, ACBS nhận định.

Nói về dư địa giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup cho rằng, với mặt bằng lãi suất chính sách ở mức 3,5-5,5% như hiện nay, có thể nói dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Bởi nếu xét về mặt số học thì NHNN vẫn có thể đưa lãi suất chính sách về 0,5-1% để hỗ trợ nền kinh tế nếu tình hình quá căng thẳng.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19.

Gợi ý chính sách tài khóa - tiền tệ giai đoạn 2023 - 2024, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hành chính. Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

Quang Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán