VAMC: Cần đẩy nhanh hơn nữa việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu

(Banker.vn) “Giao dịch mua bán nợ ở nước ta vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng, còn ở các nước là giao dịch qua hình thức chứng khoán hóa. Bộ Tài chính đang xây dựng đề án này nhưng quá chậm, theo tôi cần phải nhanh hơn nữa việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu”, lãnh đạo VAMC kiến nghị.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, Nghị quyết 42 ra đời, cùng với việc quy định về đấu giá tài sản, từ năm 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm.

"Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III/2021 sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép của Hiệp hội Ngân hàng, thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ.

Theo lãnh đạo VAMC, Nghị quyết 42 đã gần kết thúc thí điểm, nên tiếp tục duy trì và nâng tầm thành luật xử lý nợ xấu. Đồng thời, sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường này, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai.

Vì vậy, ông Thắng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện công cụ và khung khổ pháp lý cho thị trường, trong đó có việc sớm chứng khoán hóa nợ xấu. “Giao dịch mua bán nợ ở nước ta vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng, còn ở các nước là giao dịch qua hình thức chứng khoán hóa. Bộ Tài chính đang xây dựng đề án này nhưng quá chậm, theo tôi cần phải nhanh hơn nữa việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu”, lãnh đạo VAMC kiến nghị.

Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng, nên việc bán các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đã gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

“Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, ông Hùng nói.

Liên quan đến thị trường mua bán nợ của Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc thiếu vắng thị trường mua bán nợ thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (trong đó có chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ. Đây cũng là lý do làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này, khiến quá trình mua - bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Linh Đan (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục