Tóm tắt: Trong giai đoạn 2016-2020, các dịch vụ tài chính công như thuế, kho bạc, hải quan đã ngày càng phát triển, theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, tích hợp với hạ tầng thanh toán của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thúc đẩy TTKDTM thông qua phát triển dịch vụ tài chính công còn đối mặt với một số thách thức như thiếu đồng bộ hạ tầng thanh toán, chi phí thực hiện, thói quen, nhận thức,... đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp, trong thực hiện các giải pháp phát triển TTKDTM giai đoạn tới.
THE ROLE OF PUBLIC FINANCIAL SERVICES IN NON- CASH PAYMENT PROMOTION IN BUSINESSES
Abstract: In the 2016-2020 period, public financial services such as tax, treasury, and customs have been rapidly expanded, in the direction of increasing technology application, integrating with payment infrastructure of credit institutions, creating favorable conditions for businesses to fulfill their obligations to the state budget, contributing to increasing the usage of non-cash payments in businesses. However, non-cash payment promotion through the development of public financial services still faces a number of challenges such as lack of synchronization of payment infrastructure, implementation costs, habits, awareness, ... that needs close coordination of relevant agencies, businesses in implementing solutions to the promotion of non-cash payment in the coming period.
Vai trò của phát triển dịch vụ tài chính công thúc đẩy TTKDTM
Vai trò của phát triển dịch vụ tài chính công thúc đẩy TTKDTM thể hiện trong một số văn bản, gồm Quyết định số 2545/QĐ-TTg: Thúc đẩy TTKDTM trong DN, Quyết định 241/QĐ-TTG ngày 23/2/2018 về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Cụ thể gồm: Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công; Đổi mới Hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính cho phép các đơn vị cung ứng dịch vụ công được chi trả phí dịch vụ thanh toán cho ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi triển khai việc thanh toán qua ngân hàng.
Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam: Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử.
Thực trạng phát triển dịch vụ tài chính công gắn với thúc đẩy TTKDTM trong DN giai đoạn 2016-2020
Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc triển khai thực hiện mục tiêu thúc đẩy TTKDTM tại các Quyết định số 2545/QĐ-TTg, Quyết định 241/QĐ-TTG và Chỉ thị số 22/CT-TTg đã đạt được nhiều kết quả tích cực, khả quan. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid–19 nhưng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống TTĐTLNH tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 20,9% về số lượng và 9,1% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 36% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 178% về số lượng và 177% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn.
Kết quả nêu trên là nhờ một phần từ vai trò hết sức quan trọng của TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ tài chính công, cụ thể:
Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động TTKDTM đối với các dịch vụ tài chính công đã dần được hoàn thiện: Trong giai đoạn này, các chế tài chủ yếu đã quy định nội dung bắt buộc phải TTKDTM như thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại kho bạc Nhà nước (KBNN) tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN) và người thụ hưởng khác tại KBNN hoặc ngân hàng; các đơn vị giao dịch có tài khoản tại KBNN thanh toán bằng các hình thức không dùng tiền mặt khi mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại KBNN hoặc ngân hàng.
Các nội dung này được thể hiện trong một số Thông tư nhằm tăng cường hạn chế giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN như Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN Việt Nam và các NHTM (thay thế Thông tư số 315/2016/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN và NHTM); Thông tư số 136/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN); Thông tư số 13/2017/TT-BTC (thay thế Thông tư số 164/2011/TT-BTC).
Bên cạnh đó, các quy định, hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đã được ban hành, cập nhật theo các luật hiện hành liên quan tới giao dịch điện tử. Ví dụ, Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế quy định một số điểm mới về chứng từ điện tử như: Chứng từ điện tử có giá trị là bản gốc nên được thực hiện bằng một trong các biện pháp quy định tại Điều 5 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Chứng từ điện tử được sửa đổi theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP. Chứng từ điện tử có thể chuyển đổi sang chứng từ giấy và ngược lại theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 165/2018/NĐ-CP.
Thứ hai, xây dựng và chuẩn hóa thông tin thu nộp NSNN kết hợp với việc nâng cấp và triển khai đồng bộ hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu, nộp ngân sách giữa các cơ quan thuế, hải quan, KBNN để áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu (mã giao dịch - ID) nhằm đơn giản hóa thông tin luân chuyển giữa các cơ quan. Các cơ quan trong ngành Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, KBNN) đã phối hợp với hệ thống NHTM hoàn thiện, nâng cấp Chương trình trao đổi thông tin thu, nộp NSNN (Chương trình ứng dụng thu theo dự án hiện đại hóa thu NSNN tại các điểm thu của KBNN, gọi tắt là Chương trình TCS) giữa KBNN, các NHTM và cơ quan thu; phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục hoàn thiện ứng dụng thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) phục vụ tốt hơn nữa cho giao dịch thu NSNN. Chương trình này giúp thông tin nhanh số thu vào NSNN qua kho bạc; giảm nguồn lực nhập cùng loại thông tin về chứng từ thu tại các đơn vị tài chính; tập trung quản lý đối với các khoản thu vào NSNN và các khoản tạm thu qua KBNN, khắc phục tình trạng không thống nhất về thông tin; đáp ứng xu hướng hiện đại hóa công tác tài chính quốc gia và xây dựng chính phủ điện tử; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách; tạo tiền đề triển khai ủy nhiệm thu qua các NHTM và dự án TABMIS (1). Khi thực hiện quy trình trao đổi số thu này, các cơ quan tài chính sử dụng chung nguồn dữ liệu, do đó, đã thống nhất được dữ liệu giữa các cơ quan, loại bỏ được tình trạng chênh lệch, sai sót về số thu trước đây. Sự vận hành ổn định, hiệu quả của các chương trình thanh toán, phối hợp thu NSNN và đa dạng các phương thức thu NSNN điện tử mới không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quy trình thu nộp NSNN, tạo thuận lợi cho người nộp mà còn giảm chi phí xã hội liên quan đến thu bằng tiền mặt, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với NSNN.
Thứ ba, hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan thuế, hải quan, KBNN để phục vụ yêu cầu phối hợp thu NSNN bằng phương thức điện tử. Các hệ thống thanh toán điện tử tập trung đã tiếp tục được triển khai, hoàn thiện và hiện đại hóa, thể hiện ở việc: (i) Sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử liên kho bạc vào hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc TABMIS từ năm 2016, rút gọn quy trình thanh toán, đối chiếu nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác thanh toán nội bộ trong hệ thống, đảm bảo an toàn tiền, tài sản nhà nước trong công tác thanh toán; (ii) Phối hợp với NHNN hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và ứng dụng thanh toán liên ngân hàng; (iii) Phối hợp với các NHTM triển khai hệ thống thanh toán song phương phối hợp thu NSNN điện tử trên toàn hệ thống KBNN từ trung ương đến tỉnh, huyện, nhằm đa dạng, linh hoạt các kênh thanh toán, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế vào NSNN, tập trung nhanh nguồn thu và giảm lượng tiền mặt trong giao dịch qua KBNN. Việc hợp tác song phương giữa KBNN và các NHTM mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cho người dân, DN khi thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Những lợi ích có thể kể đến như: Tạo điều kiện để khách hàng có nhiều lựa chọn và thuận lợi hơn để thực hiện nghĩa vụ với NSNN; Điện tử hóa các giao dịch; Đảm bảo thu NSNN nhanh chóng, thuận lợi, chính xác, an toàn; Góp phần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, Ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử; Mở rộng TTKDTM trong khu vực công; Giảm chi phí xã hội liên quan đến công tác thanh toán.
Thứ tư, các hướng dẫn cụ thể về các thủ tục hành chính, giấy tờ,... đã dần được hoàn thiện, chuẩn hóa, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện TTKDTM trong các giao dịch liên quan tới các dịch vụ công. Ví dụ, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 5806/TCT-KK về việc chứng từ TTKDTM (thanh toán qua ngân hàng) nhằm giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc về chứng từ TTKDTM (thanh toán qua ngân hàng) sử dụng trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng. Tổng cục Hải quan cũng mới ban hành Hướng dẫn DN thực hiện nộp các khoản vào NSNN bằng hình thức TTKDTM (chuyển khoản), hoặc nộp tiền mặt tại NHTM, để chuyển nộp vào tài khoản của cơ quan hải quan tại KBNN từ ngày 1/4/20202. Theo đó, không chỉ việc nộp thuế xuất nhập khẩu, mà việc thu nộp phí và lệ phí hải quan cũng không được sử dụng tiền mặt và phải thu, nộp qua tổ chức tín dụng. Hình thức thanh toán này sẽ góp phần để hoạt động thương mại được minh bạch; đồng thời đơn giản thủ tục nộp tiền thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các DN. Điều này phù hợp với chủ trương TTKDTM của Chính phủ; đồng thời tạo nhiều thuận lợi cho DN và cơ quan hải quan, minh bạch trong giao dịch và giám sát, quản lý.
Thứ năm, chuyển chức năng quyết toán tiền giao dịch TPCP từ NHTM sang NHNN3. Từ ngày 1/8/2017, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) phối hợp với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các thành viên thị trường chính thức triển khai hoạt động thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN theo phương thức thanh toán tổng tức thời theo thời gian thực. Về phía NHNN, Sở Giao dịch NHNN là đầu mối triển khai đề án và là đơn vị thực hiện thanh toán tiền giao dịch TPCP. Theo mô hình mới, ngân hàng quyết toán tiền giao dịch TPCP là NHNN vì chỉ NHNN, với tiềm lực tài chính và các cơ chế cho vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản cho các NHTM mới có thể giải quyết được những vấn đề này. Việc chuyển đổi mô hình thanh toán phù hợp với quy mô niêm yết, giá trị giao dịch, giá trị thanh toán ngày càng tăng của thị trường TPCP Việt Nam. Đồng thời, mô hình thanh toán mới cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.
Đến cuối năm 2019, hệ thống TTĐTLNH đã được kết nối với toàn bộ 63 KBNN địa phương đáp ứng được nhu cầu chi tiêu ngân sách của các đơn vị nhanh chóng và kịp thời. Trong cả nước, đã có 50 NHTM ký kết thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Đây là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động TTKDTM của cả nước. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được sử dụng rộng rãi, phổ biến: Tính đến cuối năm 2019, đã có 99% DN đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử. Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Mặc dù việc thúc đẩy TTKDTM đã đạt được nhiều kết quả khả quan và các hoạt động dịch vụ công được cải thiện đáng kể góp phần thúc đẩy TTKDTM trong DN, tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được tháo gỡ, đó là:
Một số hạn chế của các loại dịch vụ đi kèm cho việc sử dụng các dịch vụ tài chính công bằng TTKDTM như hóa đơn điện tử, chữ ký số: Đa số DN Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), do đó còn nhiều hạn chế về chi phí chuẩn bị các hồ sơ khai thuế điện tử, tính hợp pháp, độ an toàn của chữ ký số. Nhiều DN cho rằng, với mức giá do nhà cung cấp phần mềm chứng thực chữ ký số lên tới 800.000 – 1,4 triệu đồng/năm sẽ khó hấp dẫn DN có quy mô nhỏ và vừa. Chi phí cho đầu tư ban đầu cũng là một khó khăn. Để triển khai sử dụng chứng từ hóa đơn điện tử,… phải có máy tính, các trang thiết bị nối mạng, phải có dịch vụ đường truyền cùng nhiều chi phí khác. Công tác triển khai hóa đơn điện tử chưa hoàn tất tại các đơn vị cung cấp cũng là hạn chế cho phát triển dịch vụ thanh toán. Đối với các DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh là điều không hề đơn giản. Ngoài ra hạ tầng thông tin nhiều lúc, nhiều nơi chưa bảo đảm liên tục thường xuyên, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa...
Vấn đề chi phí và hiệu quả: Ở góc độ ngân hàng, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng TMCP khi tham gia việc kết nối thanh toán dịch vụ công là chi phí và hiệu quả. Do chưa có khung phí nên nhiều dịch vụ hành chính công không thể trả phí cho ngân hàng, kể cả phí thanh toán bằng thẻ, trong khi đầu tư chi phí hệ thống vận hành khá lớn. Các đơn vị hành chính công cũng không được duy trì số dư trên tài khoản mở tại các ngân hàng TMCP nên cũng không thể sử dụng tiền gửi không kỳ hạn để bù đắp chi phí vốn.
Thói quen sử dụng tiền mặt trong DN, dân cư là rào cản lớn đối với thực hiện TTKDTM. DN, người kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ rất ngại sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, bởi làm như vậy không giấu được doanh thu, đồng nghĩa họ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, cá nhân. Do đó, họ vẫn lựa chọn hình thức thanh toán truyền thống để trốn được thuế.
Sự chưa đồng bộ hệ thống thanh toán vẫn là trở ngại lớn khi đẩy mạnh TTKDTM với dịch vụ công. Việc kết nối dữ liệu không được tập trung cũng là trở ngại nhất định trong việc triển khai nhanh và đồng bộ định hướng TTKDTM trong xã hội.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu về thúc đẩy TTKDTM nói chung, thúc đẩy TTKDTM trong DN nói riêng, yếu tố cốt lõi là xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ công đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp như:
Một là, nhóm giải pháp chính sách: Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với NHNN để: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán điện tử, trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về TTKDTM, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); (ii) Thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, phối hợp với NHNN tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá kết quả triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, gỡ bỏ dần các rào cản đối với DN trong thực hiện TTKDTM: Hiện nay chưa có cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và DN được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử nên các đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn vướng mắc trong việc thanh toán khoản chi phí này. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và DN được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ; Ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ TTKDTM cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đảm bảo áp dụng khả thi. Giải pháp khác là nghiên cứu chính sách hỗ trợ thuế để khuyến khích TTKDTM cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ và DNNVV, nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước có công cụ kích thích về TTKDTM như giảm trừ cho các khoản TTKDTM với một tỷ lệ chiết khấu nhất định. Hiện tại, những người kinh doanh, buôn bán nhỏ đang sử dụng cơ chế thuế đàm phán, giờ muốn họ chuyển sang thuế công khai… thì phải có chính sách khuyến khích như giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập DN… đảm bảo chênh lệch nộp thuế không đáng kể.
Ba là, nhóm giải pháp thúc đẩy TTKDTM đối với thu, chi NSNN: Tiếp tục mở rộng thu NSNN qua POS với các NHTM nơi KBNN mở tài khoản; tăng cường công tác tuyên truyền và các giải pháp phù hợp để mở rộng, phát triển hình thức sử dụng thẻ chi tiêu công. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chi trả bằng tiền mặt qua KBNN, qua đó thúc đẩy hình thức TTKDTM. Với nhiệm vụ của KBNN được Chính phủ giao trong công tác quản lý quỹ NSNN, việc đẩy mạnh các hoạt động thu, chi NSNN không dùng tiền mặt qua KBNN và tiến tới không giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN sẽ tăng cường thực hiện mục tiêu Chính phủ đã đề ra, đồng thời góp phần tích cực trong việc kết hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong nền kinh tế.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức TTKDTM. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.
Chú thích
1 Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là cấu phần một của Dự án cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. TABMIS đã được triển khai và vận hành chính thức tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các cơ quan tài chính từ Trung ương đến các quận, huyện từ cuối năm 2012.
2 Hướng dẫn này của Tổng cục Hải quan là thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và thực hiện Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
3 Nhằm thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 2/3/2012 về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với NHNN xây dựng Đề án thanh toán tiền giao dịch TPCP qua NHNN. Đề án đã được Bộ Tài chính thông qua và phê duyệt theo Quyết định số 562/QĐ-BTC ngày 24/3/2016.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Thị Kim Nhung (2018) Phát triển TTKDTM các dịch vụ công qua NHTM. Tạp chí ngân hàng, số 20/2018.
- Nguyễn Thanh Thảo (2020) Phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Tạp chí tài chính, kỳ 1, tháng 3/2020.
- Tăng Thị Bích Quyên (2017) Tổng quan về hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04+05 tháng 04/2017.
- Một số trang websites có liên quan
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20 năm 2020
THS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH - THS. LƯU ÁNH NGUYỆT
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|