Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài cơ chế đặc thù với TP.HCM đến hết năm 2023

(Banker.vn) Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo báo cáo gửi đến phiên họp, Chính phủ đề nghị cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thêm 1 năm đến hết ngày 31/12/2023.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, thường trực Ủy ban Tài Chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền TP.HCM trong thực hiện Nghị quyết số 54.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp . (Ảnh: quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp . (Ảnh: quochoi.vn)

Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 04 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Tp.HCM phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54…

Phó Chủ nhiệm Vũ Thị Lưu Mai cho biết, nếu tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ không thể đưa ra những đề xuất chính sách của một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm theo quy định thì “phương án kéo dài thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết 54 là cần thiết.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn. Điều này phần nào làm chậm quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; làm giảm tính vững chắc, nhất quán trong thực thi pháp luật.

Bà Mai lưu ý, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023. Như vậy chỉ có thêm 1 năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội để lý giải về hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. Đặc biệt, có những việc đã được nêu rõ trong Nghị quyết nhưng việc triển khai trong thực tế không đơn giản, có những nội dung còn vướng với các quy định của Luật Đầu tư; chậm có phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Hiện tại, TP.HCM đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội với những nội dung mở rộng và toàn diện hơn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ và góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện để thành phố phát triển và có nhiều nguồn thu hơn, để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Chính phủ cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân, việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.

Trong đó, đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, phân tích tác động cụ thể của từng chính sách, đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân một số chính sách, cơ chế chưa thực hiện hiệu quả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 4.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán