Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

(Banker.vn) Sáng 24/8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) . Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Kho số viễn thông được niêm yết trực tuyến để tổ chức, cá nhân lựa chọn đấu giá

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, còn các quy định khác về trình tự, thủ tục đấu giá thì dẫn chiếu theo Luật Đấu giá tài sản; có ý kiến đề nghị các quy định chi tiết khác thì giao Chính phủ quy định.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chỉnh lý các quy định tại khoản 4 Điều 48; điểm c, d khoản 4 Điều 50, khoản 6 Điều 50 dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 24/8. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 24/8. (Ảnh: DUY LINH)

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 48, Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet; việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet; điều kiện hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông (khoản 4 Điều 50), kho số viễn thông theo quy định được niêm yết trực tuyến trên thị trường để tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số đấu giá.

Trường hợp kho số viễn thông được niêm yết trực tuyến trên thị trường hết thời gian theo quy định của pháp luật mà không có tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số để đấu giá thì phân bổ trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, nộp phí sử dụng kho số viễn thông theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

Giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng Cục Thống kê tính cho một ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Giá khởi điểm để đấu giá mã mạng di động mặt đất, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin được đấu giá bằng phí sử dụng 1 năm của mã, số đó. Trường hợp đấu giá mã mạng di động mặt đất, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin do tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đấu giá thì giá khởi điểm để đấu giá là 5 năm phí sử dụng của mã, số tương ứng.

Trình tự, thủ tục đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Giải trình làm rõ thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định trước đây là phải xác định giá khởi điểm của từng số viễn thông, trong khi có đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu số đẹp. Khi định giá thì phải thuê tư vấn, chi phí cao hơn so với số tiền đấu giá thu về nên quy định không khả thi.

“Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi theo hướng quy định một mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp, việc này sẽ bảo đảm tính khả thi”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

2 loại ý kiến về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

Liên quan Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, ông Lê Quang Huy cho biết có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định quỹ trong luật vì hiện nay đã phủ sóng tất cả vùng sâu, vùng xa; hoạt động chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc, bất cập.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định về quỹ cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với loại ý kiến thứ hai, vì Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.

Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông có tính đặc thù, số doanh nghiệp tham gia không nhiều do hạn chế về tài nguyên viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông thường chọn các địa bàn kinh doanh có lợi nhuận mà không triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Bên cạnh đó, theo công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), có 91 nước duy trì quỹ để thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Tùy thuộc vào mỗi nước, quỹ được sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi mà chi phí đầu tư cao, không đem lại lợi nhuận; hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, điện thoại cố định, điện thoại di động cho trường học, bệnh viện, người có thu nhập thấp...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán