Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản

(Banker.vn) Chiều 22/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Cần phân cấp quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản Tạo hành lang pháp lý toàn diện bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác Bắc Giang: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Thứ nhất, Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu.

Thứ hai, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng).

Thứ ba, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 1 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).

Nêu một số điểm mới của dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, dự thảo Luật quy định về điều tra cơ bản địa chất (Chương III); phân nhóm khoáng sản (Điều 7 và Chương VI); tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương (chi tiết thể hiện tại mục V); bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Điểm mới tiếp theo đó là công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng (Điều 53); sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn (Điều 52).

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế (Điều 103).

Ngoài ra, tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển (Chương VIII); cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản (Điều 62); ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 5).

Hai luồng ý kiến về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường

Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã cụ thể hoá 5 nhóm chính sách được thông qua; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Tuy nhiên, về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102), ông Lê Quang Huy cho hay, vấn đề này, có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành quan điểm của Chính phủ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như dự thảo Luật vì: Khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vì vậy, nhà đầu tư phải trả một khoản tiền để được thực hiện quyền khai thác.

Lý do tiếp theo đó là cơ sở pháp lý của việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, thu thuế tài nguyên được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 121 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế thu theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế. Luật Tài nguyên nước cũng quy định về hai khoản thu này đối với tài nguyên nước;

Tiền cấp quyền khai thác quy định tại Điều 77 Luật Khoáng sản hiện hành và trong thời gian qua, ngân sách nhà nước đã thu được số tiền cấp quyền khá lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vì: Việc nộp cả tiền cấp quyền và thuế tài nguyên đang được xem là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp khoáng sản; tất cả nghĩa vụ tài chính nên được thể hiện trong khoản thuế mà doanh nghiệp khoáng sản phải nộp, có thể tăng thuế tài nguyên để bù đắp nguồn thu ngân sách nhà nước do không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đa số Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kinh nghiệm quốc tế đối với nội dung tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tổng kết tình hình thực hiện tiền cấp quyền khai thác các loại tài nguyên trong thời gian qua.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương